Bóng chày – Tưởng chỉ ở nước bạn, nhưng “nhà Sen mình” cũng có
Bóng chày là một môn thể thao có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ và vẫn còn khá xa lạ đối với người Việt Nam. Ngày nay, môn thể thao này bắt đầu du nhập vào nước ta và ngày càng được nhiều người quan tâm. HSU là trường đại học tiên phong và duy nhất đưa bóng chày vào giảng dạy trong chương trình Giáo dục thể chất.
Lịch sử hình thành
Người ta không rõ chính xác bóng chày ra đời từ khi nào nhưng đã có nhiều tài liệu ghi nhận về các trò chơi tương tự như bóng chày hiện đại xuất hiện từ thế kỷ 14.
Tuy nhiên, đến tận thế kỷ 19, các luật chơi và quy định cụ thể về môn bóng chày hiện đại mới được ghi nhận ở Anh. Cũng từ đây, bộ môn này dần dần du nhập sang các nước ở khu vực châu Mỹ và đặc biệt rất được yêu thích tại Mỹ.
Trong khoảng 20 năm, từ 1992 đến 2012, bộ môn bóng chày đã được đưa vào thi đấu tại Olympic. Tuy nhiên, do không phổ biến ở các nước khác ngoài Mỹ nên cuối cùng bộ môn này đã bị rút khỏi đây.
Cấu tạo sân bóng chày
Sân bóng chày có dạng hình quạt, được chia làm 2 phần chính là sân trong và sân ngoài. Hai phần sân được phân tách với nhau bằng một đường vôi trắng.
Sân trong có hình vòng cung, trong phần sân này sẽ có 1 dĩa nhà, 3 gôn và 1 vị trí dừng. Dĩa nhà và 3 gôn sẽ tạo với nhau thành một hình kim cương. Phần sân kim cương này được trải cỏ, trong khi những phần rìa còn lại là nền đất. Giữa sân kim cương sẽ có một gò ném bóng. Gò ném bóng là một vòng tròn đất có bán kính 2,4m.
Phần sân ngoài là sân cỏ, được tính từ đường ngăn cách với sân trong cho đến hết phạm vi sân. Phần sân này được bảo vệ bởi 3 người chơi thuộc đội phòng ngự. Những người chơi này sẽ cố gắng bắt những cú bóng dài và cao bay vào phần sân này.
Các vị trí trong đội bóng
Trung bình một đội bóng chày thường có từ 20 – 25 cầu thủ tùy vào quy mô. Tuy nhiên, không phải tất cả các cầu thủ đều được ra sân. Có 10 vị trí quan trọng trong một cuộc thi đấu bóng chày mà bạn cần biết:
- Ném bóng (Pitcher, P): Đây là một trong các cầu thủ quan trọng của một đội bóng chày. Đúng như tên gọi, cầu thủ này sẽ thực hiện các cú ném bóng sao cho cầu thủ đánh bóng của đối thủ không thể đỡ được bóng.
- Đánh bóng (Batter, B): Đây được xem là “át chủ bài” của một đội bóng. Bởi vì họ cần phải có kỹ thuật tốt để có thể cản phá được các cú ném bóng của đội đối thủ và ghi điểm cho đội mình.
- Bắt bóng (Catcher, C): Người chơi ở vị trí này sẽ cố gắng bắt được những quả bóng do pitcher ném ra trong trường hợp bóng không bị batter của đối thủ cản phá được.
- Chốt gôn 1 (First base, FB): Vai trò của vị trí này là bảo vệ chốt điểm thứ nhất và ngăn cản batter của đội đối thủ chạm vào gôn.
- Chốt gôn 2 (Second base, SB): Cầu thủ này sẽ bảo vệ gôn 2 và cùng với chốt gôn 1 cố gắng loại 2 đối thủ cùng lúc (double play).
- Chốt gôn 3 (Third base, TB): Tương tự 2 chốt còn lại, chốt gôn thứ 3 cũng được bảo vệ bởi một cầu thủ.
- Vị trí dừng (Shortstop, SS): Vị trí này nằm ở khoảng trống giữa chốt gôn 2 và 3.
- Giữa sân phía xa (Center field): Các cầu thủ chơi ở vị trí này sẽ đứng ở trung tâm của sân ngoài để bắt những quả bóng bay đến phần sân này.
- Cánh trái phía xa (Left field): Đây là cầu thủ chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực sân ngoài phía bên trái.
- Cánh phải phía xa (Right field): Đây là cầu thủ chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực sân ngoài phía bên phải.
Luật chơi bóng chày cơ bản
Không giống như hầu hết các môn thể thao khác, một trận đấu bóng chày sẽ không bị giới hạn về thời gian. Hai đội chơi thường sẽ thi đấu trong vòng 9 hiệp (9 inning).
Trên sân đấu bóng chày có khá nhiều vị trí nhưng một trận đấu thường chỉ xoay quanh hai người chơi chính là người ném bóng và người đánh bóng. Người ném bóng của đội phòng ngự sẽ đứng trên gò ném và thực hiện cú ném của mình. Trong khi đó, người đánh bóng của đội tấn công sẽ đứng ở một bên của dĩa nhà, đối mặt với người ném bóng và cầm gậy chờ đánh bóng.
Cầu thủ bắt bóng của đội phòng ngự sẽ đứng ở phía sau người đánh bóng còn các thành viên khác sẽ đứng ở những vị trí tương ứng trên sân.
Trong nửa đầu mỗi hiệp, đội tấn công sẽ cử lần lượt các cầu thủ đánh bóng để cản phá cú ném của đối thủ và cố gắng ghi điểm. Mỗi lần cầu thủ này đánh trúng bóng và chạy về được đến đĩa nhà sẽ được gọi là một cú chạy (run). Trong khi đó, 8 thành viên của đội phòng ngự sẽ đứng ở 8 vị trí còn lại và cố gắng loại càng nhiều cầu thủ đánh bóng của đội đối thủ càng tốt. Sau khi 3 cầu thủ đánh bóng của đội tấn công bị loại, các đội sẽ đổi vai trò với nhau. Đội tấn công bây giờ sẽ là đội phòng ngự và ngược lại.
Để trận đấu bắt đầu, người ném bóng của đội phòng ngự sẽ cố gắng ném bóng sao cho bóng bay qua người của cầu thủ đánh bóng đội bạn và bay thẳng vào găng của đồng đội mình (cầu thủ bắt bóng). Đây gọi là một cú strike out. Nếu cầu thủ đánh bóng không đỡ được 3 lần thì sẽ bị loại (out).
Trong trường hợp cầu thủ đánh bóng có thể thực hiện thành công cú đánh, bóng được xem là đã “vào cuộc”. Lúc này, người đánh bóng sẽ phải bỏ gậy và chạy ngay về phía các gôn. Trong khi đó, 8 thành viên của đội phòng ngự sẽ cố gắng bắt bóng trước khi bóng chạm đất hoặc cố gắng giành lấy bóng và chạm vào cơ thể của người đánh bóng trước khi họ đến được gôn.
Nếu người đánh bóng đến được các gôn, họ sẽ trở thành người chạy gôn (runner) và phải chờ đồng đội đánh trúng bóng ở lượt tiếp theo để chạy sang các gôn còn lại, chạy được về đến dĩa nhà thì gọi là home. Ngược lại, người đánh bóng sẽ bị loại nếu các thành viên của đội phòng ngự bắt được bóng hoặc bị họ chạm vào người trước khi đến gôn.
Đối với cầu thủ đánh bóng, mục tiêu của họ là đưa bóng vào cuộc chơi sao cho các thành viên của đội đối thủ không thể bắt được hoặc chuyền bóng cho nhau, đồng thời cố gắng chạy về các gôn để hoàn thành lượt của mình. Trong trường hợp cầu thủ này thực hiện cú đánh tốt giúp bóng bay cao và xa ra khỏi sân, họ sẽ được quyền chạy một vòng quanh sân mà không bị cản trở. Đây được gọi là cú home-run ăn điểm trực tiếp.
Sau 9 hiệp đấu, nếu hai đội hòa nhau thì sẽ tiến hành hiệp phụ cho đến khi tìm ra người chiến thắng. Đôi lúc, trận đấu cũng có thể kết thúc sớm nếu khoảng cách điểm giữa hai đội quá lớn, ví dụ như 17 điểm tính đến hiệp thứ 5 hoặc 10 điểm tính đến hiệp thứ 7.
Những dụng cụ và thiết bị được sử dụng trong bóng chày
Dưới đây là một số dụng cụ và thiết bị được sử dụng khi chơi bóng chày:
- Quả bóng chày: Quả bóng chày có phần lõi được làm từ bần và phần ngoài được phủ bằng da.
- Gậy bóng chày: Đây là dụng cụ được dùng để đánh bóng. Gậy bóng chày có nhiều loại và kích thước khác nhau để người chơi có thể dễ dàng lựa chọn.
- Găng tay: Găng tay được thiết kế để giúp bắt bóng và bảo vệ bàn tay của bạn. Bạn sẽ đeo găng vào tay đối diện với tay ném bóng.
- Mũ bảo hộ: Dụng cụ này được trang bị cho các cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ đánh bóng, để giúp tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt và bảo vệ đầu khỏi những cú ném mạnh.
- Dụng cụ bảo hộ cho người bắt bóng: Bộ dụng cụ này được trang bị đặc biệt cho người bắt bóng để bảo vệ họ trước những cú ném nhanh và mạnh. Những dụng cụ này có thể bao gồm mũ bảo hộ, dụng cụ bảo vệ đầu gối, ngực hoặc vai.
Có thể thấy, bóng chày là một bộ môn rất thú vị và có thể giúp xây dựng tính đồng đội rất tốt. Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm một môn thể thao giúp tăng cường sức khỏe và giải tỏa căng thẳng thì bóng chày có thể là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Tuy nhiên, dù cảm thấy hứng thú với bóng chày thì bạn có lẽ cũng khó tiếp cận với bộ môn này vì hiện nay ở Việt Nam, không có nhiều câu lạc bộ hoặc sân để chơi bóng chày. Đừng lo lắng, HSU sẽ giúp bạn.
Thông tin tham khảo về khóa học Bóng chày tại HSU: //ntc33.net/hsusports/san-pham/bong-chay/
Để được tư vấn về khóa học, xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thể thao Hoa Sen
Phòng A.107 (lầu 1) – 7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
Điện thoại: 028 7300 7272 | 028 7309 1991 – Ext: 4894
Hotline: 0906.800.096
Fanpage: Trung Tâm Thể Thao Hoa Sen
Email: [email protected]