Chọn nghề theo đam mê hay mốt thời thượng
“Chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là bạn đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải”, TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cho rằng, trước kỳ thi thí sinh phải chuẩn bị đầy đủ cả kiến thức và tâm lý để vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất. Ảnh: H.P.
Đến với ngày hội tư vấn tuyển sinh 2015 tại Hà Nội, một học sinh đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia “Việc định hướng nghề nghiệp có quan trọng không? Nó tác động đến cuộc sống con người như thế nào?”. Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trả lời rằng việc định hướng nghề nghiệp quan trọng. Đó chính là cách chúng ta tìm được lẽ sống để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.
“Chọn được công việc phù hợp là cách để các em vui sống khi làm việc 8 tiếng mỗi ngày, để thấy mình có giá trị khi cảm nhận được niềm vui từ những cống hiến cho xã hội”, tiến sĩ Hà nói.
Từng nhiều năm làm công tác tư vấn trước mùa thi, thầy Hà chia sẻ, nhiều em lựa chọn nghề nghiệp vẫn dựa theo cảm tính hơn là sự hiểu biết. Các em dễ dàng bị thu hút bởi tên của ngành, lựa chọn trường “oách” mà không hiểu rõ về ngành nghề đó cũng như không lượng sức mình dẫn đến việc chọn sai nghề hoặc cơ hội vào đại học thấp. Điều này thể hiện việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong nhà trường hiện nay chưa tốt.
Nhiều học sinh không biết lựa chọn nghề theo đam mê, sở thích hay theo xu thế ngành ‘hot’ của xã hội. Minh Anh (18 tuổi) băn khoăn “Vài năm trở lại đây, em thấy ngành kinh tế đang rất hot, đặc biệt là các ngành có chữ “quốc tế” như kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh quốc tế. Em cũng muốn học ngành quốc tế này, vậy có nên theo?”.
Giải đáp thắc mắc cho cậu học trò, TS Hà nói rằng suy nghĩ cứ thấy ngành quốc tế đồng nghĩa với “hot” là hoàn toàn sai lầm. Em cần phải có năng lực xuất sắc đủ để cạnh tranh với rất nhiều các bạn khác, đặc biệt là các bạn du học sinh được đào tạo ở nước ngoài.
“Chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là các bạn đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải. Các thầy cô làm trong nghề nhiều năm nhưng luôn phải học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, chứ không phải ngồi một chỗ trên giảng đường để hưởng thụ đâu”, thầy Hà thẳng thắn bày tỏ.
Nhiều học sinh không thể chia sẻ những thắc mắc với cha mẹ, thầy cô nên tìm đến chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý để “gỡ rối” mùa thi. Ảnh: H.P.
Để quyết định lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê hay theo xu thế thời thượng, các em cần biết các nguyên tắc: chỉ nên chọn nghề mà bản thân có đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn ngành, nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ; không chọn ngành xã hội không có nhu cầu và chọn nghề đáp ứng được những giá trị bản thân, coi trọng và có ý nghĩa.
Đồng thời, học sinh cần đặt ra các câu hỏi: Tôi thích ngành nghề gì? Để khi có đam mê, hứng thú với công việc thì sẽ theo đuổi, vượt qua được khó khăn. Tôi làm được nghề gì? Vì thích thôi chưa đủ, cần phải có năng lực, tính cách, thể chất để làm được nghề đó. Tôi cần làm nghề gì? Để lựa chọn nghề mà xã hội có nhu cầu, nếu không sẽ khiến cho người học gặp khó khăn về đầu ra. Khi tổng hợp được cả 3 câu hỏi trên thì sẽ có được sự chọn lựa tối ưu nhất cho bản thân mà không phải là chạy theo xu thế ngành hot hoặc đam mê không rõ ràng.
Khi nghe bạn Vi Anh (THPT Yên Viên) chia sẻ rằng mình thích đi xa, thích khám phá những miền đất mới, nền văn hóa mới. Vậy có nên làm hướng dẫn viên du lịch? TS Hà đã hỏi ngược lại: “Bạn có sẵn sàng phục vụ cả đoàn khách trong suốt quá trình tham quan, dậy sớm lo bữa ăn, đi ngủ sau khi người khách cuối cùng trở về phòng, lo đi lại, làm việc với khách sạn, chính quyền để đăng ký cho khách?”.
“Câu trả lời của bạn là “Không”. Vì em cho rằng làm hướng dẫn du lịch là chia sẻ những hiểu biết về miền đất và văn hóa cho người khác biết chứ không phải phục vụ họ”. Thầy Hà đúc kết, lựa chọn nghề nghiệp chỉ vì thích thôi chưa đủ, hãy tìm hiểu sau này công việc phải đối mặt với những khó khăn gì và bản thân mình có sẵn sàng đối mặt với khó khăn đó hay không.
Nhiều thí sinh phân vân khi đứng giữa việc chọn trường, chọn nghề mà cha mẹ quyết định hay là quyết tâm theo đuổi ngành nghề mà mình muốn. Minh Thùy, học sinh lớp 12 ở Hà Đông không biết làm cách nào để thuyết phục bố mẹ cho phép mình theo đuổi việc học làm bánh mà không thi đại học.
Để “gỡ rối” cho Thùy, thầy Hà cho rằng bạn cần phải chứng minh rằng mình đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ và có đam mê, có tố chất đối với công việc này. Quan trọng hơn, cần cho bố mẹ thấy cơ hội nghề nghiệp sau này, đó là ngoài việc làm trong những cửa hàng lớn, bạn vẫn có thể mở cửa hàng riêng nếu tay nghề tốt và điều kiện kinh tế.
“Việc em thích học làm bánh đã thực sự dựa trên sở trường của em chưa? Nếu giữ vững lập trường thì hãy chia sẻ, tư vấn ngược lại với bố mẹ để hai bên tìm được tiếng nói chung. Đừng phản đối bằng cách tảng lờ, khó chịu sẽ dễ dẫn đến sự căng thẳng trong gia đình”, thầy Hà tư vấn. Còn khi nghề mình thích không phù hợp với sở trường mà bố mẹ cũng có ý kiến tương tự thì cần cân nhắc đến lời khuyên của gia đình bởi không ai hiểu con cái bằng cha mẹ.
………..
Theo Hoàng Phương
(Nguồn: Vnexpress, ngày 19/03/2015)