Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: “Với tôi, không nơi nào dễ chịu như Việt Nam”
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài.
Sự trở về đông đảo của kiều bào không chỉ do chính sách, mà còn bởi tình yêu quê hương, nguồn cội
Như vậy tính trung bình, mỗi năm có khoảng gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài. Về vấn đề này, báo Phụ Nữ đá có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, người đã chọn về nước làm việc thay vì tiếp tục nghiên cứu khoa học và định cư tại Pháp.
PV: Thưa tiến sĩ, theo báo cáo của Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử, tình trạng di cư khỏi Việt Nam lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay – mỗi năm có khoảng gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài. Trong bối cảnh đất nước đang rất cần nhân lực để phát triển thì nhiều người lại lựa chọn điều ngược lại. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
TS Bùi Trân Phượng: Tôi cho rằng lựa chọn ra đi với họ cũng hợp lý. Họ ra đi vì muốn phát triển bản thân, gia đình. Những người ở lại mà sống không tốt, gây tổn hại cho người khác, cho quốc gia mới đáng trách.
* Bà cảm nhận cuộc sống ở nước ngoài ra sao?
– Tôi nghĩ không nơi nào dễ chịu như Việt Nam. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng ai có mang thân phận tha nhân mới hiểu. Ví dụ, tôi là người Việt Nam, hết giờ làm tôi ghé vào quán nào đó ăn một tô phở. Cảm giác dễ dàng và thoải mái quá chứ. Nhưng ở nước ngoài, những lựa chọn thuộc về tập quán sinh hoạt truyền thống không dễ chút nào. Những người đã ra đi đau đáu về cố hương lắm. Đừng lầm tưởng họ ra đi chỉ vì tiền. Có nhiều lý do để họ quyết định di cư.
* Thưa tiến sĩ, nói vậy thì yếu tố thu nhập cá nhân không phải thước đo sự phát triển xã hội hay sao?
– Chúng ta không chỉ nhìn vào các chỉ số kinh tế để khái quát xã hội. Các con số có đẹp đến mấy nhưng không song hành cùng các giá trị đạo đức thì di cư vẫn ngày càng tăng. Nói chính xác là sự suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam đã ngày càng phổ biến. Sự di cư, ở một khía cạnh nào đó, chính là sự tự bảo vệ.
* Tiến sĩ nghĩ vì sao những người trẻ buộc phải lựa chọn ra đi?
Giáo dục “sạch” là môi trường nền tảng mà Việt Nam chưa có. Trong tất cả các hệ đào tạo, từ mẫu giáo đến đại học, chỗ nào cũng diễn ra chạy lớp, chạy trường thì làm sao coi đó là cá biệt nữa. Như vậy là phổ biến rồi. Tình trạng di cư hiện nay là một tổn thất thực sự đối với nước ta. Những người chọn di cư hầu hết là những người giàu, người giỏi. Một bạn trẻ sau khi du học về nước làm việc đã chia sẻ với tôi: “Em có thể đã miễn nhiễm với tác động của môi trường sống tại Việt Nam, nhưng con em sẽ bị ảnh hưởng”. Và cuối cùng, bạn ấy cũng quyết định di cư. Tôi tin đó là lựa chọn tốt cho cá nhân và gia đình bạn ấy.
* Mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thốt lên: “Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây?”. Chẳng lẽ trách nhiệm gia đình lại có thể tách rời với trách nhiệm quốc gia sao, thưa bà?
– Câu hỏi của chị Phạm Chi Lan thực sự là trăn trở của những người yêu nước. Nhưng ai cũng hiểu, nếu các cơ quan quản lý chỉ kêu gọi mà không có động thái làm thay đổi môi trường thì không thể giữ chân được người trẻ, người tài. Chúng ta không nên nhìn sự di cư bằng con mắt tiêu cực, họ đi là có ích đấy chứ. Đi để trải nghiệm, để được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Khi họ trở về sẽ giúp môi trường tại Việt Nam tiến bộ, chuyên nghiệp hơn.
* Thực tế có nhiều người sau khi du học, lao động ở nước ngoài về không thích ứng được môi trường làm việc tại Việt Nam nên lại tiếp tục đi. Thậm chí, một tỷ phú Việt Nam mới đây cũng cho rằng, ngay cả những nhân sự người nước ngoài làm việc tại tập đoàn của ông, dù chuyên nghiệp nhưng cũng không có sự linh hoạt nên ông không đánh giá cao.
– Tôi lại không đánh giá cao suy nghĩ đó của vị tỷ phú bạn nêu, hoặc có thể vị này diễn đạt chưa hết ý. Thỉnh thoảng vẫn có sự lầm tưởng giữa linh hoạt với biểu hiện tùy tiện, thiếu nhất quán đang có trong xã hội ta. Môi trường làm việc tại Việt Nam thiếu chuyên nghiệp hơn các quốc gia phát triển thì bản thân chúng ta phải thay đổi, phải sửa chữa để tiến bộ chứ. Việc những người trẻ sau khi du học ở các nước phát triển về không thích ứng được với môi trường làm việc tại Việt Nam, cho thấy chúng ta đã chậm đổi mới. Không có mô hình nào là chuẩn nhất và nếu cứ tự mãn về tổ chức sẽ tạo ra môi trường không lành mạnh. Việc các bạn trẻ đổ xô qua Singapore khởi nghiệp thời gian gần đây là một hệ lụy mà đất nước đang gánh chịu do môi trường thiếu nhất quán ngay từ hành lang pháp lý – yếu tố hàng đầu của môi trường sống an toàn.
* Theo tiến sĩ, nên có giải pháp nào trước làn sóng di cư hiện nay?
– Theo tôi, có ba vấn đề lớn. Thứ nhất là vai trò giáo dục. Các trường học phải nuôi dưỡng ý thức công dân và tinh thần dân tộc cho sinh viên. Để làm được điều này, phải tạo được môi trường trải nghiệm quốc tế qua các chương trình liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, dạy học bằng tiếng Anh. Có như vậy, thanh niên Việt Nam mới ý thức được vị thế bình đẳng trước cộng đồng thế giới. Thứ hai, mỗi cơ quan, tổ chức đều phải có văn hóa “tôn trọng sự khác biệt”.
Điều này là rất cần thiết nếu không muốn “chảy máu” chất xám. Một tập thể nếu thiếu văn hóa này sẽ vô tình cô lập những cá nhân có hành động đổi mới, sáng tạo. Thứ ba, yếu tố quyết định sự thay đổi môi trường sống chính là động thái từ quản lý vĩ mô. Nhà nước phải sớm hành động để có một cuộc biến chuyển tích cực. Các nhà quản lý lo lắng thì phải làm sao tạo ra môi trường đáng sống thì tự nhiên người ta sẽ ở lại, sẽ quay về.
* Tiến sĩ đã từng quyết định trở về vào năm 1973 trong lúc chiến tranh chưa chấm dứt. Vì sao lúc ấy tiến sĩ không chọn môi trường đáng sống hơn?
– Đó là lựa chọn của một thế hệ chiến tranh, người trí thức không thể đứng ngoài nỗi đau của dân tộc. Tôi không gọi chuyện đó là hào hùng hay bất khuất gì, mà đơn giản là chúng tôi cảm nhận được sự uất ức của một nước nhược tiểu. Khi đó, ngoài tinh thần dân tộc, chúng tôi không mưu cầu điều gì khác.
Kiều hối nguồn lực lớn góp phần xây dựng TP. HCM Chính sách thông thoáng và các biện pháp khuyến khích của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước ngày càng nhiều. Lượng kiều hối này không chỉ chuyển về giúp đỡ thân nhân trong nước mà còn được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, bất động sản hay tiêu dùng, mua sắm, từ thiện… Do vậy, kiều hối đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Số liệu kiều hối chuyển về TP.HCM từ 1993 đến 2015 (đơn vị tính: tỷ USD) Người thụ hưởng tại Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập hoặc bị thu phí từ các tổ chức thực hiện dịch vụ chi trả kiều hối. Người thụ hưởng được nhận ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam. Nếu nhận bằng ngoại tệ thì được bán cho tổ chức tín dụng hoặc đại lý đổi ngoại tệ, được gửi tiết kiệm ngoại tệ hay mở và gửi vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cấp phép chi trả kiều hối cho các tổ chức cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả của các tổ chức này. Các tổ chức tín dụng và công ty kiều hối đã mở rộng mạng lưới chi trả trên cả nước, đa dạng các hình thức chi trả và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và quy định pháp luật khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh, từ đó đã tác động tích cực đến việc thu hút kiều hối. |
Theo Quốc Quang
Nguồn: Phụ nữ Tp.HCM, ngày 01/08/2016