Theo đuổi nghệ thuật – sáng tạo: Đam mê đi liền khổ luyện!
“Khi chúng ta nhận lấy và đi trên con đường nghệ thuật thì nên giữ cảm xúc, đam mê vào sâu bên trong, và cất tiếng nói bằng chính tác phẩm của mình”- họa sĩ, nhà thiết kế Trần Thanh Cảnh trải lòng.
Tác phẩm “Rừng vàng”
Vừa qua, trong triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ – nhà thiết kế Trần Thanh Cảnh, giảng viên , Trường ĐH Hoa Sen, đã xuất sắc giành giải B (không có giải A) với tác phẩm “Rừng vàng”. PV có cuộc trao đổi với anh xoay quanh một số vấn đề về nghệ thuật và cuộc sống.
– PV: Chào họa sĩ Trần Thanh Cảnh. Trong triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, “Rừng vàng” nhận được sự đánh giá rất cao từ giới chuyên môn và công chúng, anh có thể giới thiệu đôi nét về tác phẩm này?
* Họa sĩ Trần Thanh Cảnh: Bức tranh tôi vẽ có tên gọi Rừng vàng. Thoạt nghe, bạn có thể nghĩ đây là bức tranh nói về sự trù phú, bạt ngàn của rừng xanh. Tuy nhiên, tôi lại thể hiện sự đau đớn của đại ngàn – khắc họa chân dung thiên nhiên đang ứa lệ vì những thương tổn đến từ sự xâm phạm nghiêm trọng hệ sinh thái vì những nguồn lợi và ý thức bị xói mòn của con người. Tranh của tôi vinh dự giành giải B (không có giải A) trong triển lãm khu vực VI – do Hội Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức.
– Tại sao anh lại lựa chọn chủ đề về rừng và môi trường để thể hiện trong tác phẩm?
* “Rừng vàng” nằm trong mạch xúc cảm của tôi về bộ tranh “rừng vàng – biển bạc – đồng xanh” nhằm phản ảnh hiện thực về môi trường đang gánh chịu nhiều thảm họa, phản biện lại cả 1 hệ ý thức chủ quan rằng tài nguyên thiên nhiên là vô tận.
Tôi thai nghén ý tưởng khoảng nửa năm và mất 2 tháng để hoàn thiện bức vẽ. Để thực hiện tốt tác phẩm này, tôi đã có một chuyến thực tế lên mạn Trường Sơn dọc tuyến Gia lai – Kontum cùng các họa sĩ khác, vào tận bản làng của người đồng bào, chia sẻ những câu chuyện núi rừng, nghiên cứu các tư liệu và ký họa phong cảnh rừng nguyên sinh… Tác phẩm ra đời là sự kết hợp giữa nhân sinh quan và những cảm xúc tươi rói nhất mà người nghệ sĩ có được bằng trải nghiệm.
– Anh sử dụng thủ tháp đặc biệt nào để làm nổi bật ý tưởng trong “Rừng vàng”?
* Tôi sử dụng thủ pháp đồng hiện để tạo dựng 1 không gian mang tính biểu tượng; với những hình ảnh của rừng già ẩn chứa các linh hồn và con người sống hòa hợp với nhau, cùng nhau gánh chịu sự thương tổn. Chân dung của tác phẩm mang tính ước lệ, gợi nhắc đến một vẻ đẹp vàng của thiên nhiên – sự lộng lẫy đang bị cháy rụi, trơ ra những mảng đen đầy mất mát.
Tác phẩm Mẹ tôi khóc – tác giả Trần Thanh Cảnh
– Thông điệp anh muốn nhắn nhủ đến người xem thông qua tác phẩm của mình?
* Với một tác phẩm nghệ thuật, tính “đối -thoại -tự -thân” với công chúng là yếu tố then chốt để làm nên giá trị của tác phẩm. Vậy nên, với tất cả sự diễn đạt trong bố cục tạo hình, thủ pháp và những hình ảnh gợi tính liên tưởng…, tôi mong tác phẩm sẽ gợi lên được 1 chút lòng trắc ẩn của người xem với nỗi đau lớn về môi trường, môi sinh và cả thân phận con người…Tùy thuộc vào sự rung động thẩm mỹ gắn với nhận thức nội tại, từng người xem sẽ cảm nhận được các mức độ của “thông điệp”, cũng có thể vượt xa sự kỳ vọng cùa tác giả trong tác phẩm của chính mình.
– Là một họa sĩ, đồng thời là một giảng viên trẻ tại khoa Đào tạo chuyên nghiệp, Trường ĐH Hoa Sen, anh làm thế nào để khơi dậy cảm hứng sáng tạo cho sinh viên nhóm ngành thiết kế – một nhóm ngành khá “đặc thù”?
* Với một người yêu và thực hành nghệ thuật nói chung, và sinh viên các ngành thiết kế nói riêng thì cảm hứng vô cùng cần thiết. Với tôi, cảm hứng có thể đến từ một tác phẩm đẹp, đến từ những tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài… Tôi cũng hy vọng sự làm việc nghiêm túc và những sản phẩm của mình sẽ tự nhiên thắp lên ngọn lửa cảm hứng và đam mê cho sinh viên.
Tác phẩm khác của họa sĩ – giảng viên Trần Thanh Cảnh
Và tất nhiên, ở góc độ học thuật, khi làm việc cùng sinh viên trên giảng đường, tôi cố gắng chuyển tải những kiến thức và kỹ năng về mỹ thuật, thiết kế theo tính hệ thống để xây dựng nền tảng cho sinh viên học tập và vận dụng. Cảm hứng sáng tạo trong thiết kế không đơn thuần là ý thích chủ quan mà phải là sự cân nhắc mang tính chắt lọc để đảm bảo được tính độc đáo và đồng bộ – vậy nên cách tôi làm việc với sinh viên là dựa trên sự tôn trọng ý tưởng khác biệt và hỗ trợ hoàn thiện bằng các phương pháp chuyên ngành.
– Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ theo đuổi con đường nghệ thuật nói chung và thiết kế – sáng tạo nói riêng?
* Khi chúng ta cảm nhận rằng trong bản thân mình có năng khiếu nghệ thuật – thực sự đó là một đặc ân và cũng là 1 trách nhiệm. Khi chúng ta nhận lấy và đi trên con đường này thì nên giữ cảm xúc, đam mê vào sâu bên trong, và cất tiếng nói bằng chính tác phẩm của mình.
Thêm nữa, thành công trên con đường nghệ thuật, không phải một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình rèn luyện, thậm chí khổ luyện miệt mài, nghiêm túc!
Cảm ơn anh!
– Họa sĩ – Nhà thiết kế – Giảng viên Trần Thanh Cảnh – Hội Viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam – Uỷ Viên BCH Hội Mỹ Thuật Tp. HCM – Uỷ viên BHC ngành Hội Họa Hội Mỹ Thuật Việt Nam – Chủ Nhiệm CLB Họa Sĩ Trẻ Tp. HCM – Giảng viên khoa Đào tạo chuyên nghiệp, trường ĐH Hoa Sen – Đạt gần 20 giải thưởng – danh hiệu trong và ngoài nước, có 3 triển làm cá nhân và hơn 60 triển lãm nhóm ở Việt Nam và quốc tế. |
Theo Huệ Vân
(Nguồn: Người lao động, ngày 11/08/2016)