Thất nghiệp ở đâu nặng nề nhất thế giới?
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát năm 2008 đã cướp đi hàng triệu việc làm. Hiện tại, trước sự hồi phục chậm chạp của thế giới, thị trường việc làm một lần nữa lại đối mặt với nguy cơ lớn. Chẳng hạn như Mỹ, nền kinh tế này đã đánh mất 8,3 triệu việc làm trong giai đoạn suy thoái, và cho tới nay mới chỉ phục hồi được 43%.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát năm 2008 đã cướp đi hàng triệu việc làm – Ảnh: CNBC. |
Theo hãng tin CNBC, chưa có khi nào, lực lượng lao động trẻ trên thế giới lại phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp nặng nề như hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động trẻ tại Khu vực đồng Euro đã lên tới 22%, riêng tại Hy Lạp và Tây Ban Nha đã vượt quá 50%. Dưới đây là 10 nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp thuộc vào hàng cao ngất ngưởng.
10. Pháp
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 9,3%
Tăng trưởng GDP năm 2011: 1,7%
Hôm 7/6 vừa qua, Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (Insee) công bố các số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này đã tăng lên tới 10% trong quý 1/2012, cao nhất trong 13 năm. Vấn đề thất nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng được ông Francois Hollande tận dụng để tranh cử tổng thống hồi tháng 5 vừa qua. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Hollande đã cam kết tạo ra hàng ngàn việc làm khu vực công và nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Nhờ đó, ông Hollande đã đánh bật đối thủ nặng ký, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
9. Ba Lan
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 9,6%
Tăng trưởng GDP năm 2011: 4,3%
Bất chấp việc Ba Lan là một trong những nền kinh tế Khu vực đồng Euro có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn ở mức cao. Theo các báo cáo gần đây, tỷ lệ thất nghiệp của Ba Lan trong tháng 5/2012 là 12,6%, giảm 0,3% so với tháng 4 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 9,6% của cả năm ngoái. Lực lượng lao động trẻ của Ba Lan là đối tượng bị tác động nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng việc làm. Theo số liệu của OECD, cứ 5 lao động trẻ ở Ba Lan lại có hơn một người không có việc làm.
8. Thổ Nhĩ Kỳ
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 9,8%
Tăng trưởng GDP năm 2011: 8,5%
Tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt thập niên trước thật đáng nể, song cũng trong thời gian đó, mức tăng trưởng việc làm tại nước này lại không như kỳ vọng. Mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm từ 2002 tới 2006 là hơn 7%, tỷ lệ thất nghiệp ở khoảng 10%. Một trong những lý do chính dẫn tới tình trạng này là có nhiều người rời bỏ các vùng nông nghiệp để chuyển tới các đô thị. Ngoài ra, lực lượng lao động tay nghề thấp ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trở ngại lớn trong việc tìm kiếm việc làm.
7. Colombia
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 10,8%
Tăng trưởng GDP năm 2011: 5,9%
Colombia hiện là nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở Mỹ Latin, đồng thời cũng là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 của Colombia đã giảm còn 10,8% so với mức 11,8% trong năm 2010, song tình trạng không có việc làm ở quốc gia Mỹ Latin này vẫn cao hơn 2% so với nước láng giềng Venezuela, nước có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ hai khu vực.
6. Iran
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2009: 11,5%
Tăng trưởng GDP năm 2011: Chưa rõ
Các lệnh trừng phạt của phương Tây, thiếu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sản lượng dầu thô sụt giảm là 3 yếu tố quan trọng tác động xấu tới nền kinh tế Iran thời gian qua, ảnh hưởng lớn tới thị trường việc làm ở nước này. Theo các nhà chức trách Iran, khoảng 15% lực lượng lao động không có việc làm, nhưng trên thực tế nhiều người có việc làm chính thức cũng không kiếm đủ tiền để sinh hoạt nên con số lao động không có việc làm tương xứng còn cao hơn nhiều. Chưa hết, tỷ lệ thất nghiệp đối với người dưới 25 tuổi ở Iran là 29,1%, song theo các chuyên gia phân tích, con số thực tế có thể còn cao gấp đôi.
5. Bồ Đào Nha
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 12,7%
Tăng trưởng GDP năm 2011: -1,5%
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha trong năm 2011 đứng ở 12,7%, nhưng quý đầu năm nay, con số này đã tăng cao kỷ lục 14,9%, do nước này phải đương đầu với cuộc suy thoái sâu rộng nhất kể từ thập niên 1970 tới nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ cũng tăng vọt lên 36,2%. Ngành bị bão nợ ảnh hưởng nặng nề nhất dẫn tới cắt giảm phần lớn lao động là ngành công nghiệp đóng tàu vốn từng có một giai đoạn phát triển cực thịnh.
4. Ireland
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 14,4%
Tăng trưởng GDP năm 2011: 0,7%
Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp của Ireland đã gần chạm mức cao nhất trong 20 năm, cao gấp đôi so với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo báo cáo mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5/2012 của Ireland là 14,3%, giảm nhẹ so với mức trung bình năm ngoái nhưng vẫn gấp hơn 3 lần so với con số 4,5% trong năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính, ngân hàng nước này bùng phát. Tình trạng không có việc làm đã đẩy nhiều lao động của nước này ra hải ngoại kiếm sống.
3. Hy Lạp
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 17,7%
Tăng trưởng GDP năm 2011: -6,9%
Hy Lạp hiện là tâm bão của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, nên không có gì phải hoài nghi khi tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế này hiện cao thứ ba trên thế giới. Hiện cứ 5 người Hy Lạp ở độ tuổi lao động lại có hơn một người không có việc làm. Theo số liệu hồi tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp đã chạm mức kỷ lục 21,7%. Khoảng 54% trong số này là ở độ tuổi từ 15-24, cao hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố lớn của Hy Lạp là nơi có số người mất việc đông nhất, đặc biệt là Athens.
2. Tây Ban Nha
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 21,6%
Tăng trưởng GDP năm 2011: 0,7%
Nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Tây Ban Nha, cũng là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khối. Tây Ban Nha bắt đầu rơi vào khủng hoảng và suy thoái từ giữa năm 2008 sau khi bong bóng địa ốc vỡ vụn. Quý đ.ầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này đứng ở 21,3%, đã giảm nhẹ so với cả năm 2011, song vẫn cao hơn 2 lần so với mức trung bình của châu Âu. Việc số người mất việc tăng lên đã tác động xấu tới tiêu dùng nội địa và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP.
1. Nam Phi
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011: 24,7%
Tăng trưởng GDP năm 2011: 3,1%
Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất lục địa đen và cũng là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, không như các nước châu Âu mới vướng vào vấn nạn thất nghiệp trong thời gian gần đây, tình trạng không có việcc làm trên của hơn 20% số người trong độ tuổi lao động của Nam Phi đã bắt đầu từ năm 1997. Yếu tố chính tác động tới vấn đề việc làm của nước này là do lịch sử của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kéo dài nhiều năm. Quý đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi đã nhảy vọt lên 25,2%, so với mức 29,3% cùng kỳ năm 2011.
Hồng Ngọc dịch
(Nguồn: )