Thách thức từ “Đồi Ngô”
Gần bốn thập kỷ trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, mặc dù chúng ta đã nâng được thu nhập bình quân lên khoảng 1.400 USD/năm/người, nhưng nhiều người vẫn khoát tay, thở dài tỏ ý không mấy tin vào viễn cảnh tươi sáng hơn của giáo dục nước nhà. Và họ bi quan, tuyệt vọng cũng có phần đúng trong bối cảnh bóng tối đang thắng thế và ngạo nghễ ngự trị trên mảnh đất “trồng người”. Song nói thế thì lại có người phản bác là nói quá vì còn đó hình tượng Ngô Bảo Châu đang được cả thế giới ngưỡng mộ như tượng trưng cho trí tuệ Việt Nam.
Nhưng một Ngô Bảo Châu với giải “Nô-ben toán học” – giống với ngôi sao băng lóe sáng trong màn đêm – cũng chỉ đủ sức khuyến khích các bậc phụ huynh giẫm đạp nhau giành một suất học ở một trường có tiếng là “ổng” đã từng học và có phương pháp học sáng tạo “khác với trường học ở mọi cấp bậc”.
Một Ngô Bảo Châu cũng không đủ cứu niềm tin vào giáo dục – đào tạo nước nhà khi mà tầng lớp trung lưu bỏ ra cả tỷ USD cho con đi du học với hy vọng đổi đời (theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về số sinh viên học ở Australia và xếp thứ 8 về số sinh viên học ở Mỹ, cao hơn cả Mexico, Brazil và Pháp). Một Ngô Bảo Châu cũng phải bó tay khi mà Tổ chức Minh bạch quốc tế trong một báo cáo vào năm 2010 đã phán quyết giáo dục là ngành tham nhũng… nhiều thứ 2 ở Việt Nam sau ngành hành pháp.
Và một Ngô Bảo Châu cũng… không tin vào mắt mình trước hàng loạt những vụ bê bối, tiêu cực xảy ra có hệ thống trong nhiều năm trước sự bàng quan và bất lực của cơ quan chủ quản. Chúng ta có thể điểm lại hàng loạt những vụ việc “cộm cán” nhất: Năm 2006, ngành giáo dục được một phen hoảng hốt khi giám thị Đỗ Việt Khoa tố cáo hàng loạt sai phạm tại Hội đồng thi Phú Xuyên A (Hà Tây cũ).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khi đó đã cử một đoàn thanh tra đột xuất của bộ xuống đây và tận mắt chứng kiến cảnh “phao” vứt ào ào qua cửa phòng thi. Chính từ sau vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân lúc bấy giờ đã phất cờ “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) như bước đầu cải cách toàn diện hệ thống giáo dục đã lỗi thời, không theo kịp một thế giới đang toàn cầu hóa không ngừng. Nhưng chưa kịp thấm với “hai không” thì dư luận lại “sốc” tiếp với 4 đoạn clip “loạn” thi tốt nghiệp THPT 2006 tại Hội đồng Nam Đàn 2 (Nghệ An) có những cảnh quay rõ nét tình trạng phòng thi nhốn nháo như họp chợ phiên.
Chưa hết, đến năm 2007, tại Hội đồng thi TTGDTX huyện Lương Tài (Bắc Ninh), Thanh tra giáo dục bắt quả tang thầy giáo in sao, giải đề thi tuồn cho thí sinh… Và những tưởng mặt trận giáo dục im ắng trở lại sau 4 năm nói “không” với tiêu cực thì đùng một cái lại xảy ra vụ “Đồi Ngô” khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc và được Bộ GD-ĐT đánh giá là “nghiêm túc”. Giống như “làng Nhô”, phải nói rằng vụ “Đồi Ngô” một lần nữa cho thấy giáo dục của chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng về mặt quản lý và tư duy phản biện từ các cấp lãnh đạo cao nhất.
Thứ nhất, cách đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta từ lâu nay vẫn không thay đổi là chỉ có thi và thi mới chọn ra được hiền tài cho đất nước thì thi phải tuyệt đối nghiêm túc, thi ra thi, thi bằng sức học thực và không dung dưỡng cho bất kỳ sự gian lận nào. Nhưng điều hiển nhiên này chúng ta không làm được. Và vì không làm được cho nên cách hành xử dao động trái chiều từ “cấm” đến “mở” một cách thái quá. Khi vỡ lở vụ “Đồi Ngô”, các quan chức Bộ
GD-ĐT khăng khăng phải xử lý các học sinh đã mang các thiết bị quay lén vào phòng thi vì “vi phạm quy chế thi tuyển”, nhưng sau đó trước áp lực của dư luận họ lại “cởi trói” và mừng cho nhóm của “người đương thời” Đỗ Việt Khoa đã một lần nữa có công trong chống tiêu cực thi cử. Và đã “mở” là phải “mở” hết cỡ, trước kỳ thi ĐH có mấy ngày, Bộ GD-ĐT lại cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi để… có bằng chứng tố cáo tiêu cực phòng thi. Nhưng từ chống tiêu cực đến tiêu cực thi cử… chỉ cách nhau một bước và ai đảm bảo thiết bị chống tiêu cực lại không có “tác dụng phụ” tiêu cực? Hơn nữa, việc cho phép này còn gây rắc rối, phiền toái cho các giám thị coi thi, chỉ làm tăng tính phức tạp của kỳ thi vốn đã có tiếng là nghiêm túc nhất trong các kỳ thi. Và chẳng lẽ học sinh đi thi chỉ lo mỗi chuyện “quay phim” những người xung quanh có manh động gì không? Quả là khó hiểu khi cách đơn giản nhất là không được phép mang các thiết bị công nghệ cao vào phòng thi như mọi năm thì Bộ GD-ĐT lại không bảo lưu.
Thứ hai, để không tiêu cực thi cử, chúng ta phải cương quyết cải cách chế độ thi cử vừa cồng kềnh, tốn kém lại không mấy hiệu quả vì càng thi nhiều lại càng dễ mắc… tiêu cực. Dư luận đã lên tiếng nhiều nhưng xem ra cơ quan chủ quản có “lắng nghe” nhưng vẫn chưa thực sự “thấu hiểu” mấu chốt của vấn đề là phải tiến tới “mềm” hóa đầu vào và “cứng” hóa đầu ra. Có thế mới chống tiêu cực thực chất và Bộ GD-ĐT không phải mày mò “sáng kiến” khuyến khích chống tiêu cực, gian lận thi cử.
Theo Bích An
(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)