Thạch Lam
Thạch Lam sinh ngày 7-7-1910, tại Thái Hà Ấp, gần Hà Nội. Bút hiệu khác: Việt Sinh, Thiện Sĩ. Là con thứ sáu trong gia đình, cha là Nguyễn Tường Nhu. Quê nội làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Quê ngoại: huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Tên khai sinh hồi nhỏ là Nguyễn Tường Vinh, năm 15 tuổi làm giấy khai sinh lại, đổi tên là Nguyễn Tường Lân.Năm lên bảy, cha qua đời. Thủa nhỏ học trường sơ học Cẩm Giàng tới 14 tuổi. 15 tuổi, đỗ bằng cơ thủy, xin tăng 4 tuổi để được vào học ban thành chung. Đỗ bằng Thành Chung năm 16 tuổi, sau đó, vào học trường canh nông, được một năm, xin thôi, vào học trường tây Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất, quyết định nghỉ học để tham gia công việc làm báo với các anh.
Bà Nguyễn Thị Thế, chị ruột Thạch Lam, viết trong bài Người Em Thứ Sáu: “Cha mẹ tôi định cư tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải-dương. Gia đình tôi gồm bẩy anh em, tôi là thứ năm và mình tôi là gái. Khi tôi tới tuổi hiểu biết, các anh trai lớn chia nhau đi học xa. Anh cả tôi học trường Bưởi ở Hà-nội, anh thứ ba, thứ tư học ở Hải-dương. Chỉ còn có tôi và hai em trai bé là học ở trường huyện. Người em út quá ít tuổi nên tôi thân với người em kế tiếp nhất, người em thứ sáu trong gia đình, kẻ sau này trở thành nhà văn Thạch-Lam. Thầy tôi chết sớm, mẹ tôi quanh năm buôn gạo khắp nơi xa ít khi ở nhà nên mọi công việc gia đình đều do bà nội rất hiền và rất thương các cháu lo liệu. Mỗi lần bà đi chơi đâu vài ngày là mấy chị em tôi hết sức mong đợi vì khi trở về, bà tôi mang theo hàng thúng quà, không những phân phát cho các cháu nội ngoại mà còn cho cả trẻ con hàng xóm. Nhưng thời kỳ tôi mong ngóng nhất là kỳ nghỉ hè vì lúc đó các anh tôi, người Hà-nội kẻ Hải-dương đều trở về quê. Ngày bãi trường, hai chị em tôi dắt nhau ra ga từ sáng sớm. Đoàn tầu còn xa đã thấy anh hai đứng cửa toa bên rương quần áo. Bao giờ tôi và Vinh cũng bở ngỡ và hơi sợ hãi lúc đầu vì sau một niên học, các anh thường lớn lên nhiều và có vẻ nghiêm trang như người lớn. (Vinh là tên thật của Thạch-Lam hồi bé vì thầy me tôi đặt tên các con theo một vế câu đối: Thụy Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế. Tôi thứ năm nhưng mang tên Thế cho có vẻ con gái, do đó Thạch Lam thứ sáu mang tên Vinh. Mãi sau này, vì làm khai sinh lại để tăng tuổi đi thi nhẩy, Thạch Lam mới đổi tên là Lân và giữ tên này cho tới khi chết)”. (Thế Kỷ 21 số 182, 2004).
Thạch Lam, Đinh Cường vẽ |
Từ 1932, Thạch Lam bắt đầu làm báo, viết cho Phong Hoá.
Về văn chương, ông viết nhiều truyện ngắn và một truyện dài. Trong tác phẩm đầu tay Gió đầu mùa , văn Thạch Lam nhẹ nhàng bình lặng, phân tích tới phần sâu lắng của tâm lý con người. Với một văn phong lịch lãm và tinh tế, tuy được độc giả hoan nghênh, nhưng sách của ông kén người đọc, tương đối vẫn bán chậm nhất trong Tự Lực văn đoàn. Ngoài ra Thạch lam viết nhiều thể loại khác như: phê bình mỹ thuật, phê bình kịch nghệ, văn học, dịch thuật…
Người ta còn kể mãi chuyện chiếc bánh Madeleine mà Thạch Lam không biết là bánh , đã dịch nhầm. Khi được người đọc nhắc, lập tức ông đã thành thật xin lỗi độc giả trên báo… Điều này rất ít khi sẩy ra, đã chứng minh sự thành thật của một nhà văn hiếm có. Những bài kể chuyện Nhà Thương, gần như phóng sự của một nhà văn bệnh nhân, thật hay, tỉnh táo nhìn cuộc đời….
Tập Hà Nội 36 Phố Phường gồm những áng văn rất hay về Hà Nội, một cách sống rất văn hoá còn lại của chốn kinh kỳ xưa.
Trong khi tập tiểu luận Theo giòng gom lại những bài viết về văn học đã đăng báo của ông, chứng tỏ Thạch Lam có một quan niệm rõ ràng về sáng tác và một lý luận văn học chặt chẽ
Trong khoảng thời gian dài, khi các anh lớn đi làm chính trị, Thạch Lam làm chủ bút, Gérant cho báo Ngày Nay, ông bao sân, nghĩa là viết tất cả những gì còn lại sau những bài của những tác giả khác, cho đầy tờ báo. Công việc này rất nặng nhọc, lo từ đầu tới cuối tờ báo.
Thạch Lam tuy trẻ nhưng đã đứng vững và làm cho báo Ngày Nay tăng tiến đều, cũng như tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cộng sự viên và độc giả. Điều này chứng tỏ khả năng và tư cách của ông.
Tháng 6 năm 1940, sau số 224, báo Ngày Nay bị đình bản do Pháp rút giấy phép.
Năm 1941, Pháp bắt đầu khủng bố nhóm Tự Lực Văn Đoàn vì những hoạt động chống đối chế độ thực dân.
Nhất Linh phải rời Việt Nam sang Trung Hoa.
Tại Hà Nội, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Tây bắt sau đưa đi giam tại Vụ Bản, Hoà Bình, đến 1943 mới được giải về Hà Nội.
Khi tất cả các anh em khác phải tạm lánh ra ngoài Hà Nội, chỉ còn một mình Thạch Lam quản lý nhà xuất bản Đời Nay, và nhà in Ngày Nay. NXB đã cho in nhiều sách cũng như loạt Sách Hồng cho nhi đồng, để sinh lời.
Có lẽ vì công việc nặng nề, lại thêm bị bệnh phổi nên sức khỏe Thạch Lam ngày một sút kém, chỉ nửa năm phải ngưng công việc.
Thạch Lam mất ngày 28-6-1942 tại làng Yên Phụ cạnh Hồ Tây, Hà Nội, vì bệnh lao.
Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét về Thạch Lam: “Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc (…) Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước sự sống của mọi người chung quanh”.
Tác phẩm đã in:
- Gió đầu mùa, truyện ngắn, Đời Nay, Hà nội, 1937.
- Nắng trong vườn, truyện ngắn, Đời Nay, Hà nội, 1938.
- Ngày mới, truyện dài, Đời Nay, Hà Nội, 1939.
- Theo giòng, tiểu luận văn học, Đời Nay, Hà Nội, 1941
- Sợi tóc, truyện ngắn, Đời Nay, Hà Nội, 1942.
- Hà Nội băm sáu phố phường, Đời Nay, Hà Nội, 1943.