TEPCO: Có thanh nhiên liệu hạt nhân tại Fukushima I bị hư hại
Một số thanh nhiên liệu ở lò phản ứng hạt nhân số 4 đã bị hư hại – Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) xác nhận ngày hôm qua, cùng lúc có báo cáo khẳng định “đôi chút tiến bộ” tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Một số thanh nhiên liệu ở lò phản ứng hạt nhân số 4 đã bị hư hại.
TEPCO cho biết kết quả phân tích mẫu nước có nồng độ phóng xạ 400-milliliter lấy ngày 12/4 tại bể nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng ở lò phản ứng số 4 là căn cứ kết luận một số thanh nhiên liệu ở lò phản ứng hạt nhân số 4 đã bị hư hại.
Theo hãng tin Kyodo đây là lần đầu tiên phát hiện nồng độ nhiễm xạ cao hơn bình thường tại bể chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4. Lò phản ứng thứ 4, đã ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ trước khi xảy ra thảm hoạ kép 11/3, có 1.331 thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và 204 thanh chưa qua sử dụng để trong các bể chứa.
Tuy nhiên, TEPCO cũng cho rằng đa số các thanh nhiên liệu tại lò này “vẫn ở trong tình trạng tốt”.
TEPCO, Cơ quan vận hành nhà máy Fukushima I, đưa ra thông báo trên cùng ngày chính cơ quan này và chính phủ Nhật Bản cho rằng tình trạng tệ hại nhất ở nhà máy đã qua.
Lên tiếng tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Chủ tịch TEPCO, ông Masataka Shimizu cho biết công ty đang tính tới chuyện di chuyển những thanh nhiên liệu bị nhiễm phóng xạ tới một nơi an toàn hơn, tránh gây ra thiệt hại.
Công tác bơm 900 tấn nước có chất độc ra khỏi một đường hầm dưới mặt đất kế bên tòa nhà đặt các tua bin cũng được tiếp tục. Nước bị nhiễm phóng xạ cao tại đó gây trở ngại cho công tác sửa chữa.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tai nạn tại máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật rất khác với vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, mặc dù cả hai tai họa này đều được liệt kê là tai nạn hạt nhân có mức độ nghiêm trọng nhất.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Vienne, Phó Giám đốc của IAEA, ông Denis Flory mô tả việc nâng mức trầm trọng của tai nạn tại nước Nhật là một công cụ thông tin. Ông nói rằng cấp 7 mà Nhật Bản liệt kê không có nghĩa là trước đó nước này đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tai nạn, nhưng là do họ đã không đo lường được toàn bộ phóng xạ phát ra lúc ban đầu.
Mặc dù là tai nạn tại hai nhà máy điện hạt nhân Fukushima và Chernobyl nghiêm trọng nhất trong lịch sử, ông Flory cho biết không thể so sánh hai tai nạn này. Vụ Chernobyl xảy ra khi lò phản ứng có điện, gây ra một vụ nổ kinh khủng, phóng xạ lan ra một khu vực rộng lớn khi lò phản ứng nổ. Còn tại Fukushima, cho tới nay hầu hết những phóng xạ được chặn lại trong những kiến trúc bằng bê tông, mặc dù các giới chức Nhật nói rằng những kiến trúc đó có thể bị rò rỉ.
133 tỷ USD tiền bồi thường
TEPCO đang chuẩn bị bồi thường cho những ai sinh sống gần nhà máy, chủ yếu là các nông dân và ngư dân mà sinh kế đã bị thiệt hại bởi tai nạn hạt nhân tệ hại nhất này. Ông Shimizu cam kết sẽ chú ý đến lời Thủ tướng Naoto Kan yêu cầu công ty nhanh chóng có những biện pháp giảm bớt tình trạng nguy hiểm.
133 tỷ USD là số lượng khiếu kiện đền bù đối với TEPCO. Đặc biệt, đó là khiếu kiện từ các nước láng giềng do mức thải nước phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại Fukushima I vào đại dương. Theo số liệu hôm qua, mức độ bức xạ trong nước biển ở ngoài khơi khu vực quận Fukushima đã lên mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đo lường phóng xạ.
Trung Quốc hôm qua đã một lần nữa bày tỏ lo ngại rằng Nhật Bản thải nước phóng xạ ra biển. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Naoto Kan, Thủ tướng Ôn Gia Bảo yêu cầu Nhật Bản nghiêm túc xem xét các tác động có thể xảy ra đối với môi trường của các nước lân cận do hành động thải nước nhiễm phóng xạ gây ra.
Seoul cũng quan ngại về sự suy giảm nền bức xạ. Các biện pháp khử xạ đã trở thành một trong những vấn đề chính trong cuộc tập trận được tổ chức một ngày trước đó tại nhà máy điện hạt nhân Kori ở ngoại ô Pusanon. Tham gia cuộc tập trận này, ngoài hàng trăm binh sĩ của các đơn vị quân đội, lực lượng cảnh sát, còn có các tổ chức cứu hỏa. Họ được hướng dẫn để đối phó trong trường hợp tái phát kịch bản Nhật Bản tại một trong bốn nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc, nơi có 21 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ giảm vì thiên tai”
Đó là đánh giá chính thức được Nhật Bản đưa ra một tháng sau ngày bị động đất và sóng thần tàn phá, trong bản báo cáo kinh tế tháng 4.
Chính phủ Nhật Bản đã đánh giá tiêu cực triển vọng kinh tế đất nước. Tất cả các hoạt động kinh tế quốc gia, từ guồng máy sản xuất cho đến tinh thần của người dân đều bị tác hại của thiên tai.
Theo chính quyền Tokyo, mức tiêu thụ trong nước đang tăng lên trước thiên tai nay lại trên đà giảm tuột. Xuất khẩu cũng sẽ trong xu hướng này do hậu quả động đất và mối lo ngại của các nước đối tác về khả năng sản phẩm Nhật bị nhiễm phóng xạ. Nhiều quốc gia đã giảm nhập khẩu hàng hóa Nhật.
Sản xuất công nghiệp Nhật theo bản báo cáo cũng giảm sụt, một mặt do nhà máy sản xuất vật liệu, linh kiện điện tử, phụ tùng bị tàn phá, mặt khác do tình trạng thiếu điện, cũng như thiếu khách hàng.
Hầu như trong mọi lãnh vực, rất nhiều tập đoàn đã bị tình hình nói trên tác động mạnh, ví dụ như trường hợp của Toyota. Một hậu quả khác mà báo cáo ghi nhận và lo ngại là thất nghiệp sẽ gia tăng. Giới kinh tế đánh giá là Nhật sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái mới, tuy nhiên họ cũng dự kiến là hoạt động kinh sẽ được vực dậy trở lại trong 6 tháng cuối năm do nỗ lực tái thiết vùng bị thiên tai.
Ước tính thiệt hại vất chất – không kể khủng hoảng hạt nhân, là 25.000 tỷ yen (khoảng 260 tỷ USD), và chính phủ dự kiến tăng thêm ngân sách khoảng 4.000 tỷ yen để thúc đẩy hoạt động, giúp Nhật phục hồi.
(Nguồn: Dân Trí)