Phát huy sức mạnh tinh hoa để thực hiện mục tiêu 2045
“Đối thoại 2045” là tên gọi cuộc gặp mặt vừa diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) giữa Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện giới doanh nhân, trí thức. Con số 2045 được hiểu là điểm mốc trên niên lịch, đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời cũng là điểm kết thúc thời hạn phấn đấu để đất nước đạt mục tiêu là quốc gia thịnh vượng, phát triển, có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm trên trong bảng xếp hạng thế giới.
Một phần tư thế kỷ để phấn đấu cho mục tiêu đó không phải là thời hạn quá ngắn, quá gấp rút. Không ít dân tộc ở châu Á đã đưa đất nước mình từ vị trí nước nghèo đói trở thành những “con rồng kinh tế”, được cả thế giới ngưỡng mộ trong khoảng thời gian còn ngắn hơn. Hàn Quốc là một ví dụ.
Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, so với nhiều thập kỷ trước, cuộc chạy đua trong thời đại ngày nay giữa các quốc gia để giành vị trí cao trong bảng xếp hạng các nền kinh tế, dựa trên tổng giá trị sản phẩm nội địa (GDP) và thu nhập bình quân đầu người, khốc liệt và khó khăn hơn nhiều. Các nước phát triển tiếp tục tiến tới ngày càng nhanh; các nước kém phát triển hơn muốn đuổi kịp thì phải tăng tốc. Các luật chơi trong quan hệ giao thương quốc tế và đặc biệt là các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ được hoàn thiện; không còn nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia bằng thủ thuật, tiểu xảo.
Muốn trở nên giàu có trong khung cảnh đương đại, quốc gia phải biết kích thích và khai thác sức sáng tạo của cả dân tộc, mà cốt lõi là thành phần tinh hoa của dân tộc đó. Trong lĩnh vực kinh tế, thành phần tinh hoa không ai khác là những doanh nhân tài năng, biết khuếch trương hoạt động kinh doanh của mình. Muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, nhất thiết phải có những doanh nghiệp lớn, được tổ chức dưới hình thức tập đoàn, có khả năng thống lĩnh trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đưa sản phẩm ra khỏi phạm vi thị trường nội địa để cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Để làm được việc đó, trước hết phải xác định được các ngành kinh tế mũi nhọn. Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng về nhiều phương diện: trình độ phát triển kinh tế, vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử phát triển, mặt bằng dân trí, tính cách dân tộc, các giá trị phi vật thể nắm giữ… Ngành kinh tế mũi nhọn phải là ngành kinh tế cho phép khai thác tốt nhất, bền vững nhất đối với các nguồn lực và những yếu tố thuận lợi mà đất nước sở hữu. Đối với ngành kinh tế mũi nhọn được xác định, phải thiết kế hành lang cơ chế, chính sách, luật pháp đặc thù để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững: ưu đãi về tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính, thuế, hợp tác công tư….
Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân tố có phẩm chất thủ lĩnh bộc lộ và thể hiện tài năng của mình trong việc gầy dựng, nuôi dưỡng, làm lớn mạnh cơ nghiệp kinh doanh. Cần có hệ thống đánh giá khách quan về hiệu quả kinh doanh và triển vọng của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có triển vọng tốt, uy tín cao được hưởng ưu đãi: ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn, tham gia xúc tiến thương mại tại các thị trường mới; được nhận hỗ trợ pháp lý của các cơ quan nhà nước có chức năng trong trường hợp phát triển thị phần ra ngoài phạm vi quốc gia cũng như trong đàm phán, thương lượng với các đối tác quốc tế…
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Chủ tịch Hội đồng Trường các nhà cái uy tín siyanks )
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 08/03/2021. )