Nobel Hóa học cho nghiên cứu về kính hiển vi
Giải Nobel Hóa học 2014 đã thuộc về bộ ba nhà nghiên cứu cải thiện độ phân giải của kính hiển vi quang học.
Hai giáo sư người Mỹ Eric Betzig và William Moerners cùng giáo sư người Đức Stefan Hell đã sử dụng huỳnh quang để mở rộng giới hạn của kính hiển vi quang học, phát triển kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải. Công trình này của họ giúp hiện thực hóa việc nghiên cứu các quá trình tiến triển của phân tử trong thời gian thực.
Giải Nobel được trao cho hai cách tiếp cận khác nhau về cùng một nguyên lý: Một là sự phát triển kính hiển vi STED (stimulated emission depletion microscopy- kính hiển vi làm nghèo bức xạ) của Giáo sư Hell vào năm 2000; hai là loại kính hiển vi phân tử đơn (single-molecule microscopy) được chế tạo bởi hai giáo sư Mỹ – GS Betzig thuộc Viện Y học Howard Hughes và GS Moerner thuộc Đại học Stanford, khi làm việc độc lập với nhau.
Các kính hiển vi quang học trước đây có một hạn chế giả định là không thể có được độ phân giải cao hơn nửa bước sóng của ánh sáng. Giả định này dựa trên một quy luật được gọi là giới hạn nhiễu xạ của Abbe.
Các nhà hóa học giành giải Nobel năm nay đã sử dụng các phân tử huỳnh quang để khắc phục hạn chế này, cho phép nhìn được ở độ phân giải cao hơn nhiều, từ đó có thể quan sát hoạt động của từng phân tử riêng lẻ trong một tế bào sống…
(Nguồn: Tia sáng, 9/10/2014)