Nghĩ về người tử tế
Từ hồi còn bé xíu xiu đến khi trở thành sinh viên năm ba ở giảng đường đại học, biết bao nhiêu lần tôi đã nghe từ bố mẹ mình, thầy cô và mọi người xung quanh nói về những cái gọi là đàng hoàng, tử tế.
Thật ra thì, trong kí ức riêng mình, chỉ biết người ta thường bảo nhau rằng: “Thằng đấy đàng hoàng tử tế lắm cơ!” hay mẹ tôi vẫn luôn nhắc nhở: “Con gái con lứa, ăn mặc cho tử tế vào!”. Ừ thì, chả có gì khó để thốt ra cái cụm từ đơn giản ấy, nhưng có thanh thản để nói “tôi là người tử tế” hay không thì mãi sau này tôi mới biết hóa ra đấy là điều chẳng dễ.
Và, thật may mắn biết chừng nào khi đặt chân bước vào cuộc đời này, tôi đã gặp được những con người tử tế!
Mùa hè của 3 năm về trước…
Dưới cái nắng chói chang, oi bức quyện với mùi khói bụi hòa vào dòng người xe đông như mắc cửi, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những chàng trai cô gái khoác lên mình chiếc áo “tiếp sức mùa thi”. Họ năng động, nhiệt tình và thân thiện hệt như cái mầm tuổi trẻ đang rạo rực, sục sôi, đang căng tràn nhựa sống, cựa quậy và bắt đầu nảy nở trong từng tế bào nơi tâm hồn của họ.
Người trẻ tuổi đó không ngần ngại mà sẵn sàng giúp đỡ những người trẻ tuổi đến từ nơi khác. Họ cho đi mà không nghĩ suy toán tính mình sẽ nhận lại được gì. Đơn thuần, chỉ là muốn giúp người, giúp đời, muốn làm một việc tốt. Thế thôi!
Ai đó bảo, phố xá Sài Gòn đông đúc nhưng lòng người quá ư chật hẹp?! Xin thưa, lòng người chỉ chật hẹp khi người ta quá ích kỉ cho mình!
Còn đây, vẫn tồn tại và hiện diện bên cạnh chúng ta, bên cạnh tôi, bên cạnh bạn và bên cạnh bao người khác nữa những trái tim tinh khôi, những con người mà hành động của họ – dù bé nhỏ thôi – nhưng đủ khiến người ta cảm thấy hạnh phúc và ấm áp đến nhường nào! Ít ra, giữa xã hội này – nơi mà đồng tiền lớn hơn tất cả – vẫn còn đó những con người không phải chỉ biết nghĩ suy cho riêng bản thân mình. Tử tế, thật ra, nó chính là giản đơn như vậy!
Mùa hè của 2 năm về trước…
Tôi gặp được một người bình thường như tất thảy những người rất bình thường khác. Chỉ có điều – đối với tôi mà nói đây là lần đầu tiên sau gần hai mươi năm cắp sách tới trường – tiếng “thầy” mới vô cùng thiêng liêng và đáng trọng đến nhường nào.
Ở thầy, không chỉ có kiến thức suông hay lí thuyết dọa người, mà hơn hết, bài học thầy dạy cho đám sinh viên non nớt chúng tôi là những kinh nghiệm máu xương rất thực tế, rất sống động của một người từng đi qua và nếm trải lẽ đời.
Thầy bảo: “Nếu được chọn lựa một vai trong Harry Potter, thầy nhất định sẽ trở thành giáo sư Severus Snape. Snape chỉ chết khi ông ta thật sự muốn chết!”.
Chắc hẳn thầy có cái lí của riêng thầy. Và tôi, theo tư duy của một đứa học trò bé nhỏ, xin được phép nghĩ rằng người tử tế cũng sẽ hoặc ít ra là có một tố chất nào đó tương tự như Snape.
Tại sao ư? Vì rằng sống tử tế, trước nhất là sống thật với bản thân mình, nói những điều mình suy nghĩ và làm những điều mà ta cho rằng đúng. Severus Snape cũng vậy. Ông đã sống một cuộc đời bị cho là “hắc ám”, nhưng điều tuyệt vời hơn cả là chính ông đã khẳng định giá trị cuộc đời mình.
Là người bảo vệ, người dõi theo từng bước đi trưởng thành của Harry, người đàn ông hắc ám Snape vẫn luôn luôn thầm lặng. Để rồi đến phút cuối cùng, người ta phải nghiêng người kính phục vì cái chết mà Snape tự mình chọn lựa. Cái chết đó quá đỗi thiêng liêng, quá đỗi tự hào!
Vâng, sống tử tế đâu cần phải nói ra cho cả thế giới ngoài kia cùng biết, chỉ cần đứng đúng chỗ của mình trong xã hội này, tự do theo cái cách mình mong muốn – thế thôi!
Mùa hè của 1 năm về trước…
Tôi trở thành đứa con nhỏ của gia đình lớn mang tên ĐH Hoa Sen đã ba năm. Chính từ đây, ngày lại ngày tôi càng có nhiều cơ hội hơn để gặp gỡ với nhiều lắm những người tử tế.
Trên quãng đường từ cổng công viên đến cơ sở của trường, có những bạn đi xe máy dừng lại rồi chở giúp những bạn đang đi bộ vào trường. Nhìn thấy điều này, bất chợt cảm thấy như cái nóng ban trưa bỗng nhiên dịu lại, có cơn gió mát lành nào đó nhè nhẹ thổi qua.
Sẽ rất khó để tôi có thể quên – trong thang máy – hai cậu bạn trai thầm thì cùng nhau “nên nhường thang máy cho mấy bạn gái nhé”; cô gái nhỏ vẫy tay chào mẹ trước khi xoay người, nhanh chân bước vào lớp học; những cô thầy nán lại lớp học sau giờ dạy chỉ mong hướng dẫn thêm cho sinh viên chút kiến thức…
Và, còn nhiều lắm những hành động rất tử tế khác nữa mà tôi – dù vô tình hay hữu ý – đã may mắn bắt gặp được giữa đời thường…
Mùa hè năm nay…
Xin gửi đến những người tử tế mà tôi đã gặp – dù lạ, dù quen – lời cảm ơn chân thành nhất. Cảm ơn vì những việc làm – rằng chẳng lấy gì là to tát ấy – đã giúp tôi nhận ra rằng cuộc đời này cũng có những sắc hồng.
Giờ đây, “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu” không đơn thuần chỉ là chủ đề của một trường đại học mà hơn hết, nó đã trở thành phương châm sống, là kim chỉ nam của cả một thế hệ, một quốc gia.
Năng động, hiểu biết, tự tin thôi chưa đủ bởi “có tài mà không có đức là người vô dụng” (Hồ Chí Minh), ấy thế nên chúng ta – những thanh niên với sức trẻ của mình – chủ nhân tương lai của đất nước cộng hòa – sẽ làm được những gì to lớn ngày sau tôi chưa biết – nhưng ngay từ hôm nay, hãy bắt đầu định nghĩa lại giá trị sống của bản thân để có thể tự hào vì chính ta là một người tử tế!
Theo Trần Thị Kim Oanh (Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen)
Nguồn: Giáo dục thời đại, ngày 06/02/2015)
Xem thêm