Nghỉ Tết kéo dài gây tổn thương cho nền kinh tế Việt Nam
Cửa hàng buông rèm đóng cửa, giao thông hỗn loạn và quất đào mai có thể thấy ở khắp nơi cho thấy: năm Ngựa đã thực sự đến với người dân Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng có cảm giác Tết đến xuân về. Nhất là đối với những người đang bị cuốn theo nhịp sống công nghiệp ngày càng đông hơn và cả những người còn phải nghĩ… “chiến thuật lôi học trò ‘đi học’ sau Tết”.
Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Việt Nam, cũng tương tự như kỳ nghỉ lễ Giáng sinh của phương Tây khi được kỳ vọng sẽ mang lại một mùa mua sắm sôi động và những chuyến đi đầy rộn ràng.
Thế nhưng, nếu người Mỹ cũng điên cuồng mua sắm với Black Friday, 5 ngày còn lại họ vẫn làm việc nghiêm túc. Người phương Tây có hẳn 4 tuần Mùa Vọng chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và Mùa Giáng sinh kéo dài 12 ngày sau ngày 25/12, nhưng nghỉ thực chất cũng chỉ trong đúng 3 ngày theo luật định cùng với các ngày nghỉ cuối tuần còn những ngày khác vẫn đi làm bình thường. Còn ở Việt Nam, quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi…” vẫn còn tồn tại đến ngày nay, thậm chí ngày càng được cổ súy bằng hình thức nghỉ kéo dài.
Ngày mùng 1 Tết năm nay rơi vào thứ sáu. Ngay sau đó sẽ là thứ bảy, chủ nhật – hai ngày nghiễm nhiên được nghỉ của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là công chức, vì thế lại phát sinh thêm hai ngày nghỉ bù, rồi phải cho người lao động nghỉ sớm để tránh tắc đường, tàu xe đông. Thành ra, trung bình kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài 9 ngày, người làm nghề tự do có thể sau rằm mới từ quê lên, các trường học, đại học và nhiều cơ quan có thể kéo dài kỳ nghỉ đến 14-20 ngày…