Lập trang thông tin điện tử “Vay vốn đi học”
Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa hướng dẫn cơ chế phối hợp cung cấp thông tin cho Trang thông tin điện tử “Vay vốn đi học”, phục vụ quản lý công tác tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS-SV).
Trang thông tin điện tử “vay vốn đi học” nhằm phục vụ quản lý công tác tín dụng đối với HS-SV, trong quá trình đào tạo và thu hồi nợ sau khi HS-SV tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ và cơ sở dạy nghề, làm việc ở các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động. Theo đó, các cơ quan ở trung ương, địa phương, các cơ sở giáo dục, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động và người vay vốn đi học đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho trang thông tin điện tử “Vay vốn đi học” (có địa chỉ tại: ).
Hồ sơ vay vốn đi học của HS-SV sẽ được số hóa hoàn toàn, liên tục cập nhật thông tin để các cơ quan liên quan cập nhật được thường xuyên thông tin về người vay, thông tin về số tiền còn nợ, về khả năng trả nợ.. từ lúc HS-SV còn đi học cho đến khi đã ra trường tốt nghiệp đi làm.
Theo thông tư này, doanh nghiệp, qua phỏng vấn hoặc xác minh trên “Vay vốn đi học”, rằng HS-SV đã vay vốn và hiện còn dư nợ, nhà tuyển dụng yêu cầu HS-SV cung cấp thêm thông tin về tên lớp học, khoa, khóa học, tên cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề khi vay vốn. Sau khi lao động được tuyển dụng, nhà tuyển dụng gửi thông báo lên trang “Vay vốn đi học” các thông tin về nhà tuyển dụng, danh sách những lao động của đơn vị mình và tình trạng nợ vốn vay tín dụng HS-SV đối với số lao động này.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HS-SV, 33.558 tỷ đồng vốn chính sách đã đến với 2,4 triệu HS-SV để giúp các bạn trẻ được tiếp tục đến trường, nối tiếp khát vọng và ước mơ học tập. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, chương trình đã hỗ trợ cho học sinh, sinh viên vay 621 tỷ đồng. Hiện mức cho vay tối đa là 1 triệu đồng/tháng/HS-SV.
Trong khi đó, theo tin từ Ngân hàng chính sách xã hội, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn chưa tìm được việc làm, nên chưa có điều kiện trả nợ vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trang trải cho việc học tập. Do đó, Ngân hàng sẽ xem xét gia hạn nợ cho những học sinh, sinh viên đã ra trường nhưng chưa tìm được việc làm.
Theo quy định chung, tùy theo từng khoản nợ, thời gian gia hạn tối đa khoảng 2 năm. Còn đối với những trường hợp đã hết thời gian gia hạn nhưng các bạn trẻ vẫn chưa tìm được việc làm thì ngân hàng sẽ nghiên cứu để có hướng giải quyết phù hợp.
Theo Lâm Nguyên
(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng Online)