Lấp sông Đồng Nai: nếu tiếp tục thực hiện thì tạo ra tiền lệ nguy hiểm
Ngày 12.5 tại Hà Nội diễn ra hội thảo Phát triển bền vững lưu vực sông- Thách thức và giải pháp do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội tổ chức.
Nhiều nhà khoa học tham dự và đưa ra ý kiến để bổ sung hoàn thiện công tác quản lý tài nguyên nước Việt Nam.
Dự án không đủ tính pháp lý
Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc Hội nói “Căn cứ những cứ liệu mà các nhà khoa học đưa ra thì việc lấp lấn sông Đồng Nai nếu được thực hiện sẽ là thách thức lớn. Thách thức của mong muốn chủ quan với khoa học khách quan, thách thức của nhóm lợi ích với quyền lợi cộng đồng và kể cả thách thức giữa việc cố làm một dự án không đủ tính pháp lý với sự nghiêm minh của xã hội pháp quyền. Nếu Đồng Nai dừng dự án thì có thể sẽ có những thiệt hại kinh tế nhưng vẫn tiếp tục làm dự án thì có thể đây là một tiền lệ nguy hiểm để tỉnh nào cũng lấn sông xây công trình và các hậu quả khó lường khác.”
Theo chuyên gia khoa học, cách làm lấp lấn sông để xây công trình chung cư thương mại để phân lô bán nền là cách làm “không thể nào chấp nhận được”. Ảnh: TL – Thanh Niên
Trước đó, hàng loạt các nhà khoa học đã trình bày những nghiên cứu sâu về các vấn đề đe dọa an ninh nguồn nước, các dòng sông như sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Đáy,… Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới trình bày: “Chúng tôi gồm nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực đã đi thực tế tại khu vực làm dự án và các khu vực ảnh hưởng trực tiếp gần đó. Một dự án có diện tích lấp sông đến 91% và đã thực hiện hơn 90% nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng dòng sông Đồng Nai (khu vực không phải tự nhiên chỗ nhỏ chỗ to mà do cấu trúc địa chất lịch sử quy định. Chính quyền nói rằng muốn chỉnh trị dòng sông để trở lại ban đầu, nhưng bản đồ năm 1964 cho thấy dòng sông trước đây cũng giống y như bây giờ”.
Ông Long phát hiện: “Bản chất dự án từ đầu là làm bờ kè nhưng khi thực hiện lại không phải vậy. Căn cứ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và báo cáo tác động dòng chảy để UBND tỉnh Đồng Nai thông báo là dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy. Tôi nói thẳng là thông báo như thế là không đúng bởi dự án có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, ĐTM nhiều sai sót nên cần phải dừng và hủy bỏ dự án.” Cũng tại hội thảo, ông Long đã chỉ ra mối nghi ngờ về sự sai sót của ĐTM bằng việc so sánh báo cáo tháng 4/2014 làm căn cứ cho dự án lấp lấn sông Đồng Nai với báo cáo dự án xây công viên nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng tháng 10/2014 có “những điểm giống nhau đáng kinh ngạc”, nhất là phần kết luận của hai ĐTM “giống nhau đến 50%” và “giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy”.
Ông Vũ Ngọc Long đã nhắc lại vấn đề ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng từng được làm theo cách sao chép ĐTM một dự án khác đã bị tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai phản đối quyết liệt vì ảnh hưởng tới hạ nguồn.
Kinh nghiệm từ các nước
Ông PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu- Đại học Cần Thơ cho biết: “Qua các nghiên cứu, thay đổi dòng chảy sông ngòi có nhiều hình thức gồm đập nước, lấp sông, kênh hóa, chuyển dòng sông, nạo vét sông, vét cát sỏi, hút nước, nâng cao bờ hay xây đập. Hàn Quốc đã từng làm thu hẹp các dòng sông gồm Nakdong, Geum, Yeongsan và sông Hàn thành kênh để rồi sau đó phải khôi phục lại nguyên trạng với mức tốn kém là 17,3 tỉ USD. Trung Quốc từng làm dự án thủy điện chuyển sông Nam- Bắc đã khiến cho 300.000 người dân chết vì tác động thủy điện và vỡ đập. Thái Lan phát triển đô thị với niềm tin dành cho các mô hình toán thủy lực để cải tạo dòng chảy nhưng rồi thiệt hại đến 32,5 tỉ USD. Mỹ phá các đập thủy điện và hướng tới không còn thủy điện vào năm 2020. Hà Lan đang nghiêm túc triển khai dự án mở rộng các dòng sông, mở rộng không gian dòng chảy để đối phó biến đổi khí hậu”.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Thế giới đang sử dụng giải pháp “không hối tiếc” trong đó là giữ nguyên hiện trạng dòng chảy, nới đê sông ra xa. Các bài học về thiệt hại kinh tế, ô nhiễm môi trường và bất ổn xã hội có rất nhiều để chứng minh rằng các yếu tố diễn biến phức tạp của thời tiết khiến các suy đoán của con người mau chóng sai lệch.” Cũng theo ông Tuấn, cách làm lấp lấn sông để xây công trình chung cư thương mại để phân lô bán nền là cách làm “không thể nào chấp nhận được”.
Giáo sư Phạm Huy Huỳnh, chuyên gia sinh thái của VUSTA bức xúc: “Tôi kiến nghị phải xử lý nghiêm không chỉ với dân lấn chiếm bờ sông mà còn phải xử lý nghiêm hơn nữa với cả những lãnh đạo nhắm mắt cho qua các dự án vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm đến an ninh nguồn nước. Nếu không có nước sạch thì chẳng có kinh tế, chẳng có phát triển nên không thể để những người coi thường pháp luật có cơ hội chiếm đoạt tài nguyên nước nói riêng và tài nguyên đất nước nói chung nhưng lại dành sự trả giá về môi trường cho người dân.”
…………………
Theo Nhất Ngôn
(Nguồn: Người đô thị, ngày 13/05/2015)