HỌC TRIẾT NHƯ THẾ NÀO? – Chia sẻ của TS. Dương Ngọc Dũng
TS. Dương Ngọc Dũng
Giám đốc Chương trình Triết học, Khoa KHXH, các nhà cái uy tín siyanks
Nhiều sinh viên hâm mộ triết học thường hỏi tôi những câu sau đây:
1-Học triết nên bắt đầu từ đâu?
2-Học triết theo phương pháp nào?
3-Học triết có cần một năng khiếu đặc biệt gì không?
4-Nên tập trung vào những triết gia nào?
Bài viết này sẽ tập trung vào việc giải đáp các câu hỏi trên.
Dĩ nhiên ngay cả hành nghề xoa bóp hay nấu ăn cũng cần phải có năng khiếu. Vì không phải tự nhiên ai cũng có khả năng làm thiên hạ thư giãn thể xác hay chế biến ra những món ăn hấp dẫn. Nhưng nếu cho rằng triết học chỉ dành cho những bậc trí tuệ thiên tài, những người có năng khiếu đặc biệt, thì cũng sai lầm. Càng lầm lẫn hơn khi đồng hóa các triết gia với những người gàn dở, lập dị, lúc nào cũng thích nói những câu ngông cuồng, quái đản, không ai hiểu được. Đức Phật, Khổng Tử, hay Jesus đều nói năng hết sức giản dị mặc dù từ ba vĩ nhân này đã sản sinh ra ba truyền thống triết lý và thần học vĩ đại. Nāgārjuna (Long Thọ 龍樹) và Asanga (Vô Trước 無著), hai bậc tông sư của truyền thống Trung Quán và Duy Thức trong triết học Đại Thừa Phật giáo , cũng chỉ xây dựng hệ thống triết học vĩ đại của mình dựa trên những câu nói giản dị của Đức Phật. Dĩ nhiên văn phong triết học của những triết gia Tây phương không dễ hiểu và đôi khi thật tối tăm, nhưng nguyên nhân chính vẫn là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Chẳng hạn ngôn ngữ và truyền thống văn hóa Đức đã sản sinh ra triết học Kant, Hegel, Habermas, Gadamer, Husserl. Chính ngôn ngữ và văn tự Trung Hoa đã tạo ra và khuôn định truyền thống tư tưởng Trung Quốc, cũng như tiếng Hy Lạp đã chi phối toàn bộ sự vận hành của triết học phương Tây. Còn chúng ta sống trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà lại cố gắng nói năng giống như Hegel thì chỉ là làm dáng hay đóng kịch triết học mà thôi. Cũng như truyền thống văn hóa Mỹ đã sản sinh ra những triết gia lớn như William James, John Dewey, Charles Peirce, và hiện nay Hilary Putnam, nhưng họ viết bằng một văn phong khác hẳn với văn phong của các triết gia Đức, giản dị hơn, gần với ngôn ngữ đời thường hơn, và hầu như không bao giờ ẩn nấp sau những đám mây mù siêu hình học như các đồng nghiệp ở Đức.
Như vậy, học triết học cần những năng khiếu gì? Tôi xin đưa ra bảng nhận xét sau đây để các bạn trẻ tự đánh giá. Nếu các bạn thấy mình đều trả lời “không” cho các câu hỏi sau đây thì cứ nên vui vẻ “thu dọn đời mình” mà học môn khác cho đỡ tốn thì giờ, phí năng lực:
1-Nhật xét căn bản nhất về các triết gia là họ rất thích đọc sách, không hẳn là sách triết, cũng không phải sách chuyên môn về toán hay vật lý. Thái độ chung của triết gia là ham tìm hiểu nhưng không khoái chuyện thực hành (chẳng hạn mổ xẻ trong phòng thí nghiệm) nên chuyển mọi năng lực của họ vào việc đọc sách, đọc tất tần tật mọi thứ trên đời, từ Kinh Thánh cho đến thuyết tương đối của Einstein. Nói chung là họ tò mò về mọi thứ. Ken Wilber là trường hợp điển hình. Karl Popper thì nghiên cứu từ vật lý, chính trị, cho đến sử học. Nếu ngay từ lúc còn nhỏ bạn không thích đọc sách (sách nói chung: tiểu thuyết, văn chương, thơ ca, nghệ thuật, tôn giáo v.v…) và đến bây giờ sách vẫn là liều thuốc ngủ tốt nhất của bạn thì nên vui vẻ giã từ triết học vì bạn sẽ không bao giờ đọc xong nổi một trang sách triết thứ thiệt. Và đây cũng là tiêu chuẩn hàng đầu để nhận diện các triết gia “dỏm”: họ chẳng bao giờ đọc sách hay chỉ giả vờ mua sách về chất đầy trong tủ. Ham mê đọc sách là điều kiện tiên quyết của việc học triết.
2 – Đặc tính thứ hai của triết gia là thích tranh luận, phân tích và hay giảng giải. Do lúc nào nào cũng đọc sách và suy tư nên sự hiểu biết và óc phán đoán của triết gia đương nhiên phải nhạy bén, sâu sắc, và linh hoạt hơn những người không bao giờ quan tâm đến sách vở. Nhưng cũng cần thận trọng phân biệt: triết gia thích phân tích, tranh luận, giải thích, không có nghĩa là họ chỉ khéo léo trưng bày các tên tuổi triết học nổi tiếng mà không bao giờ đưa ra ý kiến của mình. Chẳng hạn nhiều người mở miệng ra là dẫn Derrida, Foucault, Sartre, Merleau-Ponty, Husserl, toàn những tên tuổi làm người nghe khiếp đảm, nhưng thật ra chính họ cũng chẳng biết mấy triết gia nổi tiếng kia nói gì hay cũng chỉ hiểu một cách mơ màng. Triết gia không thích “triển lãm hàng hóa,” nhưng ông thích biện luận, giảng giải về mọi vấn đề, và thông thường ông không chấp nhận các ý kiến sẵn có, mà luôn có một thái độ hoài nghi, châm biếm nhẹ nhàng trước những khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của bất kỳ ai đó. Nếu các bạn thấy mình không có ý kiến gì cả: lúc nhỏ thì hỏi cha mẹ, lúc đi học thì hỏi bạn bè, lúc lấy chồng (hay vợ) chỉ biết hỏi chồng (hay vợ), chồng (hay vợ) chết thì hỏi con, đi làm thì hết sức ngoan ngoãn sợ sếp như cha, nói chuyện với bạn bè thì hết sức “kính trên nhường dưới”, ai nói gì cũng cho là phải, nếu các bạn thấy mình như thế thì không nên học triết vì học triết chỉ khiến bạn đâm rối loạn hết mọi sự và quả thật giả sử bạn có hiểu được triết học là gì đi nữa thì nó cũng chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống vốn quá bằng phẳng của bạn. Về một phương diện nào đó, triết gia là một người thực sự có lòng can đảm, theo nghĩa ông ta đủ sự dũng cảm và sự lương thiện trí thức để phản đối những quan điểm mà ông cho rằng chúng sai trái hay nguy hiểm. Socrates là hình mẫu của một triết gia đích thực.
3 -Triết học quả thật chỉ dành cho những người thích suy tư, thiên về cuộc sống trí tuệ, nội tâm, nhàn tản, thích ngồi đọc sách hay thích đàm đạo với các bạn thân, nên nếu bạn là mẫu người quá sung sức, thích hoạt động ngoài trời, thích thể thao, thì rõ ràng cũng không có năng khiếu học triết. Lịch sử triết học Hy Lạp cho biết rằng Platon là một động viên điền kinh hoàn mỹ. Nhưng đó là ngoại lệ: chúng ta không phải là Platon thì không nên bắt chước để cầu được “văn võ song toàn” vì nếu cố gắng quá chúng ta chỉ có khả năng trở thành “văn dốt vũ dát,” một thứ “triết gia ba rọi” không giống con giáp nào.
4-Triết học có liên quan sâu xa đến vấn đề ngôn ngữ nên nếu không có một quan tâm thực sự cụ thể và nghiêm túc đến việc học ngoại ngữ thì cũng không nên học triết làm gì. Ngay cả những cuốn sách viết bằng tiếng Việt để trình bày triết học phương Tây cho sinh viên ban triết (của các tác giả Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị, Kim Định, Nguyễn Văn Trung các giáo sư triết ở Văn Khoa trước năm 75) cũng không thể hiểu nổi nếu người đọc không có kiến thức căn bản về Pháp văn (hay Hán văn trong trường hợp đọc sách của Kim Định) vì các tác giả trình bày đều dựa vào nguồn tư liệu tiếng Pháp và đa số đều dịch được từ các nguồn tư liệu này sang tiếng Việt. Học triết Trung Quốc thì đỡ khổ hơn vì các thuật ngữ phổ biến như Đạo, Lý, Khí, Tâm, Nhân, Nghĩa, Chính, Danh, v.v.. đều đã được Việt hóa từ lâu nên giai đoạn đầu không nhất thiết phải biết chữ Hán. Triết học Ấn Độ sở dĩ không phát triển nổi trong văn hóa Việt Nam chính do trở ngại chính là tiếng Phạn và phong cách tư duy quá xa lạ của các triết gia Ấn, tập trung bàn chuyện Thực Thể Tuyệt Đối (Brahman) chứ ít khi ngó ngàng đến chuyện con người, xã hội, chính trị, trong khi đây lại là những mối quan tâm chính trong tư tưởng Trung Hoa và Việt Nam.
Đại khái các tiêu chuẩn học triết chỉ cần có thế. Với một sự thông minh trên mức trung bình, và một sự kiên nhẫn học ngoại ngữ liên quan, không cần phải là thiên tài, bất cứ ai cũng có thể trở thành triết gia. Mạnh Tử và Tuân Tử trong truyền thống Nho giáo còn khẳng định bất cứ ai cũng có thể trở thành thánh nhân. Các thiền sư Trung Hoa đều khẳng định ai cũng có khả năng trở thành Phật. Sự khó khăn bắt đầu ở chỗ khi bắt đầu công việc học triết chúng ta phải học như thế nào vì triết học bản thân nó có hệ thống (system) và truyền thống (tradition), chúng ta không thể nhào đại vào bất cứ một cuốn sách triết nào đó, chẳng hạn tác phẩm Hữu thể và thời gian (Sein und Zeit) của Heidegger (nhất là đọc bản dịch của Trần Công Tiến), để rồi thất vọng ê chề phải nhảy ngược trở ra, mang theo một lòng thù ghét triết học vô tận. Các sinh viên học triết đều công nhận rằng khó khăn ban đầu lớn nhất là vấn đề thuật ngữ chuyên môn. Chính các thuật ngữ chuyên môn này đều xuất phát từ các bản dịch hết sức phiến diện và thiếu sót các khái niệm trong tiếng Anh, Pháp, hay Đức, nên càng làm tăng thêm sự rối rắm. Chẳng hạn chữ “being” trong tiếng Anh (être trong tiếng Pháp hay sein trong tiếng Đức) được dịch sang tiếng Việt là “hữu thể” hay “tính thể.” Đố ai biết được “hữu thể” là cái gì, nhưng nếu biết ngoại ngữ thì khó khăn sẽ giảm đi một nửa. Chúng ta sẽ lờ mờ đoán ra rằng “being” hay “être” có liên quan đến những câu trong đó hai thuật ngữ này được sử dụng như động từ: I am a student (Tôi “là” một học sinh) hay Je suis un homme (Tôi “là” một người đàn ông). Như thế “being” hay “être” dùng để chỉ trạng thái “là,” trạng thái “hiện hữu,” trạng thái “tồn tại.” Tôi “là” một học sinh, có nghĩa là tôi “tồn tại” như một học sinh. Triết gia là người nghiên cứu về “sự tồn tại” (beingness= Existenz) này trong mọi khía cạnh của nó.
Như vậy một trong những điều kiện đầu tiên để học triết là phải học ngoại ngữ. Cần ghi chú thêm là hầu hết các triết gia có tên tuổi trong lịch sử triết học đều có năng khiếu ngoại ngữ. Chúng ta có thể giải thích là do triết gia đều là những người thông minh xuất chúng nên việc học giỏi ngoại ngữ đối với họ là chuyện bình thường. Không hẳn như thế. Triết học liên quan đến ngôn ngữ ở một tầng nấc rất sâu, đến mức Heidegger phải cho rằng: “Nhiệm vụ sau cùng quan trọng nhất của triết học chính là bảo tồn được sức mạnh của những ngôn ngữ sơ nguyên nhất trong đó Tính Thể tự thể hiện, và giữ cho sự hiểu biết thông thường không san phẳng chúng vào sự hoàn toàn không thể hiểu nổi, mà chính sự thiếu hiểu biết này sau cùng là suối nguồn cho tất cả những vấn đề giả tạo.” (am Ende das Geschäft der Philosiphie, die Kraft der elementasten Worte, in denen sich das Dasein ausspricht, davor zu bewahren, dass sie durch den gemeinen Vestand zur Unverstaendlichkeit nivelliert werden, die ihreseits als Quelle für Scheinproblem fungiert). Wittgenstein thì viết rằng “Giới hạn thế giới của tôi là giới hạn trong ngôn ngữ của tôi” (The limits of my world is the limits of my language). Khi suy tư chúng ta đều di chuyển trong các phạm trù khái niệm do ngôn ngữ thiết lập, nên sự biện luận của các triết gia đều xoay quanh việc làm rõ ý nghĩa của một số thuật ngữ nào đó (chẳng hạn cách dùng các thì, cách dùng giới từ, tổ hợp cấu trúc ngữ pháp trong câu…) nên có thể khẳng định bước đầu tiên để học triết là học ngôn ngữ thuần túy. Không nhất thiết phải học đúng thứ tiếng trực thuộc một truyền thống triết học cá biệt (chẳng hạn phải học Hán ngữ nếu muốn nghiên cứu triết học phương Đông) vì học ngoại ngữ đây chính là các rèn luyện các kỹ năng phân tích tối cần thiết cho việc học triết chứ không phải để phục vụ cho các mục tiêu khác.
Một sự kiện thông thường khác là do thiếu hiểu biết về ngoại ngữ liên hệ nhiều người đã tranh cãi hay ngộ nhận về một câu phát biểu nào đó. Thí dụ nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo (nói chung cả Công Giáo lẫn Tin Lành) đã tranh cãi về thông điệp quan trọng nhất trong Tân Ước: nước Chúa (regnum dei). Một qua điểm, căn cứ trên Tin Mừng theo thánh Mác cô (1.14), cho rằng nước Chúa đã đến, đã được thiết lập trong hiện tại. Quan điểm thứ hai cho rằng nước Chúa sẽ được thiết lập trong một tương lại rất gần. Nhưng động từ Hi Lạp thánh Mác cô sử dụng êggiken là một động từ diễn tả một hành động khởi sự từ trong quá khứ và đang tiến về tương lai, nghĩa là một sự kiện chưa hoàn tất. Như thế nước Chúa (Hi Hạp: basileia tou theou) đang đến gần và con người có thể đáp ứng với tin mừng (Phúc Âm) đó. Có lẽ vấn đề chính không phải chuyện nước Chúa sẽ đến trong một ngày rất gần đây, mà trọng tâm vấn đề nằm ở thái độ, phản ứng của con người đối với sự xuất hiện của nước Chúa như thế nào: tin tưởng hay chối bỏ, lãnh đạm, v.v.. Động từ êggiken không hề cho thấy rằng nước Chúa đã đến (has arrived) hay đã sát gần kề (to be at hand) như các dịch bản Anh ngữ phổ biến vẫn dịch.
Cũng nhiều học giả cho rằng các tín đồ Thiên Chúa Giáo đầu tiên rửa tội trong nước (dìm trong nước). Nhưng trong Kinh Thánh danh từ Hi Lạp được sử dụng là ơdsti hay ên ơdsti có nghĩa là “bằng nước” (by means of water, with water), chứ không phải “dìm trong nước” (in water).
Xin dẫn thêm một ví dụ khác. METANOIA trong tiếng Hi Lạp μετάνοια, có nghĩa là “một sự chuyển hóa tâm hồn” (a transformative change of heart) hay cụ thể là “sự chuyển hướng về phương diện tâm linh/ tinh thần” (spiritual conversion). Trong tiếng Hi Lạp cổ METANOIA chỉ đơn giản có nghĩa là “thay đổi quan điểm/ ý kiến về một sự việc nào đó.” Trong Kinh Thánh bản King James, động từ metanoeo/μετανοέω lại được dịch sang tiếng Anh (một cách sai lầm) là “ăn năn/ hối cải/ sám hối= REPENT.”
Những bản dịch Tân Ước sang tiếng Anh đều thống nhất dùng từ REPENTANCE (=sám hối/ ăn năn) cho cả hai từ METANOIA và METAMELOMAI. Trong Tin Mừng của thánh Mác-cô Giê Su loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến gần và yêu cầu mọi người hãy sám hối (repentance). METAMELOMAI còn có thêm một ý phụ (connotation) là sự “buồn đau và tiếc nuối” (pain, sorrow, and regret). Trong các cộng đoàn Thiên Chúa Giáo sơ kỳ METANOIA được dùng thống nhất với ý nghĩa là “một sự thay đổi triệt để trong tư duy và hành động,” rất giống với khái niệm CHUYỂN Y trong PHẬT GIÁO DUY THỨC. Vào năm 2006 một nhóm các học giả trong phong trào đại kết công bố một nghiên cứu về sám hối trong Kinh Thánh và Hội Thánh. Nghiên cứu này khẳng định rằng vào thời Giê Su Ki Tô văn hóa Do Thái vẫn cho rằng METANOIA (=mà ngày nay chúng ta dịch là SÁM HỐI/ THỐNG HỐI) thật ra chỉ có ý nghĩa “thay đổi triệt để tư duy và hành động” mà thôi. Theo học giả David N. Wilkin (trang web Millennium Web Catalog của chủng viện Virginia): “Các Giáo Phụ La tinh đã dịch METANOIA thành PAENITENCIA (=chữ này mới thực sự có nghĩa là SÁM HỐI). Bản thân cha đẻ của thần học phương Tây là Tertullianô đã phản đối cách dịch tiếng Hi Lạp METANOEO sang tiếng La Tinh PAENITENTIAM AGO. Thánh nhân cho rằng “trong tiếng Hi Lạp, METANOIA is KHÔNG PHẢI LÀ SỰ THÚ NHẬN TỘI LỖI MÀ LÀ SỰ THAY ĐỔI TÂM HỒN.” Thuật ngữ tiếng Anh “Conversion” (từ gốc La Tinh conversiōn-em=xoay chuyển lại) mới diễn tả đúng ý của chữ METANOIA hơn là REPENTANCE (PAENITENCIA). Như vậy chúng ta thấy một sự giống nhau khá thú vị: METANOIA tiệm cận với āśraya-parivṛtti (=CHUYỂN Y) trong triết học Duy Thức của Phật Giáo. Theo Duy Thức Học, A Lại Da Thức là thức thứ tám, thức cuối cùng, nền tảng cho bảy thức còn lại. Tạm thời hãy hình dung TÀNG THỨC này như một cái bể chứa khổng lồ chứa rất nhiều hạt giống nghiệp phục vụ cho việc tái sinh trong cõi luân hồi. Có rất nhiều hạt giống khác nhau vì đã được tích lũy, huân tập ở đây không biết bao nhiêu đời kiếp, nhưng đại khái gồm 2 loại chính: TỊNH và BẤT TỊNH. Những hạt giống TỊNH (TỐT ĐẸP) khi đúng thời điểm sẽ nảy sinh thành những QUẢ tốt đẹp cho người thụ hưởng, còn những hạt giống XẤU (BẤT TỊNH) đương nhiên sẽ tạo nhân cho các ác quả ngay trong kiếp này hay trong một kiếp lai sinh. CHUYỂN Y chính là dò tìm đến tận TÀNG THỨC này để chỉnh sửa tận gốc: LOẠI BỎ NHỮNG HẠT GIỐNG XẤU RA KHỎI TÂM THỨC, giống như cài đặt một phần mềm chống virus cực mạnh vào máy tính vậy, phục hồi chức năng vận hành hiệu quả của máy. Cách phát biểu đầy hoa mỹ của các thiền sư Mỹ là “quay nguồn sáng vào trong tâm để tự soi sáng chính mình” (turn the light around and shine it on yourselves). SAU KHI ĐÃ SOI SÁNG HẾT NHỮNG GÓC TỐI TRONG TÂM THỨC DO VÔ MINH TẠO NÊN, HÀNH GIẢ HIỂU RẰNG MỌI HIỆN TƯỢNG GÂY RA PHIỀN NÃO TRONG CUỘC SỐNG CHỈ LÀ DO CHUYỂN BIẾN CỦA TÀNG THỨC KHI PHẢN ỨNG VỚI NGOẠI CẢNH MÀ THÔI. Công phu chính để chuyển y chính là THIỀN QUÁN và thực hành các nguyên tắc giới luật Phật trong đời sống hàng ngày. Thông qua việc thực hành thiền định TÂM (THỨC) sẽ trải qua một quá trình sàng lọc, tẩy rửa, loại bỏ tất cả những hạt giống bất tịnh được lưu trữ trong tàng thức từ muôn vạn kiếp. Nếu chọn tu theo pháp môn Tịnh Độ, thông qua việc niệm hồng danh phật A Di Đà và quán tưởng những hảo tướng của Đức Phật, hành giả cũng có thể đạt đến mục tiêu này SAU KHI được vãng sinh vào Tịnh Độ.
Việc nắm vững ngoại ngữ do đó không thể thiếu trong khi nghiên cứu các văn bản cổ. Chẳng hạn các vị giáo sư dạy triết Trung Quốc hay những học giả viết sách về tư tưởng Trung Quốc thường khởi sự ngay với tư tưởng Khổng Tử và Nho Giáo. Đôi khi họ khởi sự với thời Hạ Thương, Chu và phân tích những tác phẩm tiền Nho Giáo như Kinh Thi, Kinh Thư, Tả Truyện, cho đó thuộc về sử liệu hơn là các văn bản triết học. Chính vì thế họ không biết rằng chữ nhân 仁 dùng trong Kinh Thi không có nghĩa “nhân ái” như trong tư tưởng Khổng giáo về sau mà thực ra dùng để chỉ vẻ đẹp ngoại hình của nam nhi và thậm chí còn dùng để mô tả các nhân vật chẳng đạo đức nhân ái một chút nào cả [Xem Takeeuchi Teruo, “A Study of the Meaning of Jen Advocated by Confucius,” Acta Asiatica 9 (1965), 57- 77). Đọc Tả Truyện chúng ta thấy rằng chữ dùng để chỉ sự săn bắnliệp 獵 đồng thời cũng dùng để chỉ sự tấn công của một đạo quân. Như thế trong nhãn quan thời Xuân Thu Chiến Quốc, săn bắn là một hình thức của chiến tranh và ngược lại. Nói chung, ý thức sâu sắc về vấn đề ngôn ngữ chính là cửa ngõ đầu tiên dẫn đến triết học. Thiếu hiểu biết về ngôn ngữ trong đó tư tưởng tự thể hiện, chúng ta chỉ dừng lại ở mức sao chép, lặp lại những ý kiến công ước đã được chế tạo sẵn trong sách giáo khoa mà thôi. Thậm chí tôi dám quả quyết rằng đọc mười cuốn sách viết về tư tưởng chính trị Nho giáo không bổ ích bằng bỏ một giờ học Hán ngữ để thấy rằng chữ “chính” 政 là trong “chính trị” liên quan mật thiết đến “chính” 正= ngay thẳng để chỉ đạo đức cá nhân. Người làm chính trị phải có đạo đức cá nhân, đó là điều quá hiển nhiên trong bối cảnh văn minh Đông Á, nhưng lại không hiển nhiên chút nào trong lịch sử chính trị học Tây phương.
Sau khi trình độ ngoại ngữ tương đối tạm ổn chúng ta sẽ bắt đầu công việc học triết một cách có hệ thống bằng cách kiếm một cuốn sách lọai “nhập môn triết học” (introduction to philosophy) loại dễ nhất để đọc. Theo kinh nghiệm bản thân, sách loại này các tác giả Mỹ viết là tốt nhất: trình bày gọn gàng, có thứ tự, hệ thống, và nhất là sáng sủa, dễ hiểu. Ngay cả khi mục tiêu lâu dài của bạn là nghiên cứu triết học Trung Hoa hay Ấn Độ các bạn cũng nên bắt đầu bằng “nhập môn triết học Tây phương” trước. Việc đó giống như rèn luyện các kỹ năng cần thiết trước khi leo lên những ngọn núi cao hơn. Đừng bao giờ hiểu lầm rằng triết học chỉ dành cho các thiên tài lập dị hay dở hơi, điên điên khùng khùng.
Triết học là một môn học nghiêm túc như tất cả các môn học khác và cũng đòi hỏi một sự nghiên cứu có hệ thống, thứ bậc rõ rệt. Không nên quá nóng vội hay chỉ vì muốn theo kịp các thời trang trí thức bằng cách nhồi nhét tác phẩm của Heidegger, Sartre, Husserl, Foucault, Habermas, Gadamer vào đầu một cách vô ích. Học triết mà khởi đầu với các tác giả Đức như Hegel, Heidegger, Husserl thì sẽ tẩu hỏa nhập ma luôn, chẳng bao giờ muốn cầm cuốn sách triết lên lần thứ hai. Cũng không nên bắt đầu ngay với các tác giả Pháp thuộc thế hệ những năm 68 như Foucault, Derrida, Bourdieu (một nhà xã hội Pháp nổi tiếng nhất hiện nay), Lacan, Barthes, Althusser, Lévi-Strauss, vì họ phủ nhận, phê phán, tàn phá tất cả các bậc triết gia đàn anh đi trước, đặc biệt là Derrida, hủy diệt cả truyền thống siêu hình học Tây phương. Nhưng cũng không nên khởi đầu theo thứ tự thời gian theo kiểu mấy cuốn giáo khoa vẫn thường làm vì nếu làm thế chúng ta bắt buộc phải khởi đầu với các triết gia Hi Lạp thời tiền Socrates và sẽ ngán ngẩm khi nhận ra họ cũng chẳng phải là triết gia. Nếu giáo sư là người có nghiên cứu triết học Hi Lạp thì cũng sẽ vô cùng lúng túng khi phải thông báo cho sinh viên biết rằng cần phải biết tiếng Hi Lạp để hiểu được tiếng Hi Lạp, một yêu cầu thật quá xa vời và xa xỉ trong điều kiện hiện nay.
Nên chọc học triết khởi sự từ những chủ đề mà bản thân người học quan tâm nhất, và điều quan trọng là không nhất thiết phải khởi sự với một tác phẩm triết học. Thí dụ nếu người học thích thú với những vấn đề chính trị, xã hội, thì không gì tốt hơn là đọc Marx trước, sau đó sẽ đến những thế hệ giải thích Marx như Lukács, Lichtheim, Manheim, Althusser, Adorno, Horkheimer, Habermas, v.v..và không nên quên đọc các nhà xã hội học kinh điển như Max Weber, Émile Durkheim, Vilfredo Pareto. Đó là những tác phẩm nhập môn triết học tốt nhất. Đặc biệt là nên nghiền ngẫm quyển Thuốc phiện của giới trí thức (L’Opium des Intellectuels) một kiệt tác của Raymond Aron, một nhà xã hội học kiêm triết gia, trước khi đọc Marx hay Hegel.
Nếu chúng ta quan tâm đến những vấn đề thuộc phạm vi tâm lí, gia đình, cá nhân, thì không còn cách nào tốt hơn là đọc Sigmund Freud, Carl G. Jung, Erich Fromm và Adler (các tác giả này được dịch khá nhiều sang tiếng Việt, nhưng cũng chỉ nên dùng tạm trong lúc đầu thôi. Công cụ học triết chính vẫn là ngoại ngữ). Tuy không phải là một triết gia chuyên nghiệp nhưng Sigmund Freud vẫn tạo ra một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử tư tưởng thế giới, đặc biệt là quan niệm của ông về Vô Thức. Herbert Marcuse, một triết gia Đức di cư sang Mỹ giảng dạy, đã viết một tác phẩm rất hay về tư tưởng của Freud, Dục tính và văn minh (Eros and Civilization, đã được Hoàng Thiên Nguyễn (tức Như Hạnh) dịch sang tiếng Việt từ trước 1975).
Nếu bạn quan tâm đến những vấn đề siêu hình và tôn giáo thì không nên khởi sự với Marx, tác giả của câu nói lừng danh “tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng” (Die Religion ist das Opium des Volkes) cũng không nên khởi sự với Freud, người cho tôn giáo là một ảo tưởng ấu trĩ, một thứ bệnh tâm thần, mà nên khởi sự với Teilhard de Chardin (nếu bạn là người Công giáo), với Paul Tillich (nếu bạn là người Tin Lành) và với Nishida Kitarō (nếu bạn theo Phật giáo). Nishida Kitarō (西田 幾多郎) là triết gia vĩ đại nhất của Nhật Bản luôn luôn viết trong sự đối thoại với tư tưởng Tây phương dựa trên kinh nghiệm Thiền học Phật giáo. Chính ông là thủ lĩnh của trường phái triết học Kyoto lừng danh và là tác giả của Nghiên cứu về cái thiện (善の研究, Zen no kenkyū).
Nói chung để có một cái nhìn tổng quan về triết học Tây phương, chúng ta nên bắt đầu với ba người: Marx, Nietzsche, và Freud. Marx không phải dễ đọc, nhưng ông bàn ngay vào những vấn đề xã hội cụ thể, và hiểu được ông thì cũng như cầm chắc được phân nửa triết học phương Tây trong tay, vì hầu hết lịch sử triết học hiện đại Đức (từ Horkheimer, Adorno, Marcuse, cho đến Habermas) chỉ là những nỗ lực đối thoại với Marx, phủ nhận ông, phê phán hay mở rộng một số quan niệm triết học căn bản của Marx.
Kế đến là Nietzsche. Triết gia này viết triết học không hề giống với bất kì triết gia nào: không có hệ thống phân tích lôi thôi dài dòng gì cả mà chỉ có những đoạn văn ngắn, rất mạnh mẽ, rất linh động, chẳng hạn “tình yêu là một cơn điên ngắn ngủi và hôn nhân là một sự ngu xuẩn dài hạn”. Một trong những tác phẩm chính của Neitzsche đã được Trần Xuân Kiêm dịch sang Việt ngữ, Zarathustra Đã Nói Như Thế (Also sprach Zarathustra) là một dẫn dụ rất tốt vào con đường suy tư triết học nhưng nó đồng thời cũng có thể là một thứ kháng sinh quá mạnh sẽ tận diệt mọi “tế bào triết học” trong cơ thể bạn. Nietzsche là người nổi tiếng với câu “Thượng Đế đã chết” (Gott ist tot). Chúng ta không chắc là “Thượng Đế” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng có thực sự chết hay không, nhưng những kẻ ghét Nietzsche có thể khẳng định “Nietzsche đã chết” mà không sợ phạm sai lầm. Đọc Nietzsche, do đó, là một kinh nghiệm thú vị nhưng cũng có thể là kinh nghiệm cuối cùng đối với triết học.
Freud là một bác sĩ y khoa. Tên tuổi ông gắn liền với học thuyết phân tâm học (psychoanalysis). Ông trình bày vấn đề sáng sủa và giản dị như một nhà khoa học có năng khiếu viết văn. Chỉ cần đọc đi đọc lại tác phẩm của Freud, đặc biệt là Văn minh và Những Bất Mãn của nó (Civilization and Its Discontents), chúng ta cũng sở đắc được những tri thức sâu sắc về con người, quan hệ giữa người và người, quan hệ xã hội, lịch sử văn minh. Tư tưởng của Freud có thể giúp con người thanh lọc bớt rất nhiều các ảo tưởng đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày bằng cách tạo cho người đọc cơ hội tự phản tỉnh, suy nghĩ về chính bản thân, một quá trình đầy hứng khởi mà Nho giáo gọi là “cải quá tự tân” (sửa đổi lỗi lầm, làm mới bản thân). Nhưng tin rằng phân tâm học là một khoa học dẫn bạn vào những chân lý vĩnh cửu trong tâm hồn con người thì lại là sai lầm lớn. Việc bài bác tôn giáo trong quan niệm Freud là một ví dụ. Chính Jung và Otto Frank, cũng như Erich Fromm, Karen Horney, Sullivan sau này đã mạnh mẽ vạch ra nhiều thiếu sót trong học thuyết của Freud. Nhưng nên xem Freud là một triết gia hơn là một khoa học gia. Khoa học gia cần phải chính xác trong từng chi tiết cụ thể. Triết gia cung cấp những cái nhìn lớn, một thứ ánh sáng thật mạnh để soi sáng cuộc sống nhân sinh trong toàn thể tính của nó. Ông không có nhiệm vụ tìm ra những giải pháp cụ thể cho những vấn đề cụ thể nên không cần phải quá chính xác trong những chi tiết.
Về việc đọc ba triết gia hàng đầu này nên đọc bằng tiếng Anh hơn là đọc các bản dịch tiếng Việt. Dĩ nhiên cả ba đều viết bằng tiếng Đức nhưng việc tìm ra các nguyên tác Đức ngữ của các tác giả trên đây không phải dễ trên thị trường sách vở hiện nay, trừ khi người học “chơi sang” đặt mua thẳng từ bên Đức với một giá rất mắc không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn một cuốn sách triết loại bỏ túi (dày 300 trang) thông thường của Nhà Xuất Bản Suhrkamp ít nhất là ba chục mác (tương đương 30 đô la Mỹ). Trọn bộ ba tác phẩm của Nietzsche (khoảng 7 cuốn) hàng năm được tái bản với giá 500 mác, chỉ chuyên gia nghiên cứu về Nietzsche may ra mới chịu bỏ tiền ra mua. Trong khi sách dịch tiếng Anh hay tiếng Pháp thì tràn ngập với giá rẻ mạt (ý tôi muốn nói là sách cũ) và cũng tương đối dễ kiếm tại Sài Gòn.
Một phân ngành khác của triết học gần đây cũng được rất nhiều người quan tâm và nó gắn liền với tên tuổi của triết gia kiêm giáo sư đại học Harvard Michael Sandel: đó là triết học cộng đồng (public philosophy). Môn học này có ưu điểm là không hề trừu tượng một chút nào mà tập trung vào những vấn đề xã hội cụ thể. Triết học cộng đồng có thể giúp nâng cao ý thức về những vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong cộng đồng (địa phương hay toàn cầu) và giúp chúng ta áp dụng những kiến thức triết học đã học vào việc phân tích, đánh giá, và xử lý những vấn đề xã hội thiết thực (trẻ vị thành niên phá thai, quan hệ tình dục trong giới sinh viên, rối loạn giao thông công cộng, nạn tham nhũng, mại dâm, mua bán nội tạng, đẻ thuê…v…v…). Mục tiêu của môn học này nhằm chứng minh rằng triết học không hề giới hạn trong các vấn đề trừu tượng như siêu hình học hay bản thể học mà thực ra có thể có sức ứng dụng rất cao. Triết học cộng đồng rất thực tế theo nghĩa nó giúp chúng ta đào sâu vào tận nền tảng những vấn đề thoạt nhìn hết sức bình thường nhưng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày như:
• Tại sao chúng ta phải đóng thuế?
• Tình yêu là gì?
• Tình dục là gì?
• Tại sao cần phải nâng cao kỹ năng giao tiếp?
• Tiền là cái gì?
• Hạnh phúc là gì? Phải chăng “đời là bể khổ?” Thiên đường có thật hay không?
• Tại sao phải có chính phủ?
• Thế nào là tự do?
• Tại sao không thể hợp pháp hóa mãi dâm?
• Hôn nhân có thực sự cần thiết?
• Có phải tôn giáo là nguồn gốc của bạo lực xã hội?
• Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội cái nào tốt hơn?
• Có cần bãi bỏ án tử hình? Tại sao cần phải tử hình?
• Có nên cho phép đẻ thuê? Dựa trên cơ sở triết học nào?
• Tại sao lại cấm đoán việc sinh sản vô tính (cloning)?
• Nên xử lý trường hợp “sống thực vật” như thế nào?
• Có cách gì để giảm bớt hay kết thúc tình trạng giao thông bát nháo hiện nay? Nguyên nhân từ đâu?
Chúng tôi xin đề nghị một danh sách tài liệu sau đây để người học tham khảo nếu muốn đào sâu thêm về triết học cộng đồng và đúng theo tinh thần “cộng đồng” chúng ta nên thành lập một nhóm các bạn “đồng chí” để cùng nhau phân tích và thảo luận.
1-“What is the Public Philosophy?” của James W. Caeser (trong cuốn Public Philosophy and Political Science do E. Robert Statham chủ biên, 2002, NXB. Lexington Books). Chủ đề: xác định nội hàm ý nghĩa “triết học cộng đồng.”
2-“Tiền không mua được gì? (What money can’t buy) của Michael Sandel (đã có bản dịch tiếng Việt). Chủ đề: Tiền, hạnh phúc, và công bằng xã hội.
3-Justice: What’s the Right Thing to Do? của M. Sandel (có bản dịch tiếng Việt). Chủ đề: thế nào là công bằng xã hội?
4-Freakeconomics (bản dịch tiếng Việt: Kinh tế học hài hước) của Stephen Levitt. Chủ đề: vai trò của kinh tế học trong việc giải mã hành vi con người.
5-Làn sóng thứ ba (The Third Wave) và Chuyển đổi quyền lực (Power Shift) của Alvin Toffler. Chủ đề: quan hệ giữa tri thức, công nghệ, và quyền lực.
6-Public Philosophy: Essays on Morality in Politics của M. Sandel. Chủ đề: quan hệ giữa đạo đức và chính trị.
7-Public Philosophy in a New Key của James Tully (cuốn 1, NXB. Cambridge University Press, 2008). Chủ đề: chế độ dân chủ và tự do dân sự.
8-Dân chủ và Giáo dục của John Dewey (bản dịch của Phạm Anh Tuấn. NXB. Tri Thức, 2008). Chủ đề: quan hệ giữa chế độ dân chủ và cải cách giáo dục.
Sau khi đọc qua các tác giả trên đây (Freud, Marx, Nietzsche, Sandel), ít nhất là các tác phẩm chính, nếu người học cảm thấy thích thú với môn triết thì có thể tiếp tục học môn này ở một bình diện cao hơn và sâu hơn. Dĩ nhiên là việc học triết đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại rất cao. Lúc đầu nên đi thật chậm và có người cùng học thì hay nhất. Không nên bao giờ có thái độ xem triết học là một thứ trang sức cho bản thân. Nhiều người học triết xem triết học là một loại tri thức như tri thức khoa học có thể đem ra phô trương hay biểu diễn. Đó là một lầm lẫn lớn. Triết học không phải là tri thức. Nó là phương tiện giúp chúng ta chất vấn đời sống, đặt lại mọi vấn đề từ nền tảng, không chấp nhận những ý kiến, phán đoán làm sẵn, những chân lý “đóng hộp”. Triết học giúp chúng ta sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn trong nhận thức, chứ không cung cấp tri thức như các ngành khoa học khác. Tại sao lại như vậy? Tri thức hiện đại kể từ thế kỷ thứ XVIII đã bắt đầu một tiến trình chuyên môn hóa và cho đến cuối thế kỷ XX này thì không một nhà bác học nào có thể biết rõ có bao nhiêu lãnh vực chuyên môn chứ đừng nói là nắm vững tất cả các ngành chuyên môn đó. Chính vì thế triết học không còn đóng vai trò “ông trùm tối cao” trong lãnh vực trí thức như ngày xưa. Triết gia phương tây bây giờ gom tất cả năng lực phân tích của mình vào việc phê phán các chân lý đang được chấp nhận đương thời, phê phán không phải để phá hoại niềm tin của kẻ khác, mà để xây dựng một nhãn quan tỉnh táo hơn, không để bị lừa gạt bởi các chuyên gia chế tạo huyền thoại. Triết gia không phải và không muốn đồng hóa với chuyên gia, mặc dù ông ta ngoài chức năng triết lý vẫn có thể là chuyên gia trong một lãnh vực nào đó. Khi khởi sự triết lý thì ông không còn nói năng với tư cách của một chuyên gia tự hạn chế trong một lãnh vực chuyên môn hẹp, mà nói với tư cách một người chất vấn các nền tảng của đời sống, nền tảng của xã hội, của ái tình, của nghệ thuật và đem lại một nhận thức mới mẻ, một cách nhìn sự vật trong viễn cảnh chuyển hóa. Trường hợp Wittgenstein, một triết gia người Áo, là một ví dụ điển hình: ông được đào tạo thành kỹ sư hàng không và có một đam mê mạnh mẽ đối với toán học. Trong khi nghiên cứu về nền tảng của toán học với Bertrand Russell, một triết gia người Anh, Wittgenstein dần dần đi đến triết học và trở thành một trong những triết gia vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ 20.
Chính nơi đây mà tôi muốn quay lại với lập luận chính của mình: học triết không cần thiết (thậm chí không nên) bắt đầu với sách triết chuyên ngành. Theo kinh nghiệm của tôi, các sinh viên nên bắt đầu với các sách viết về khoa học tự nhiên (tôi đề nghị sinh học, vật lý học, khoa học thần kinh, trí tuệ nhân tạo), khoa học xã hội (xã hội học, tâm lý học, chính trị học, quan hệ quốc tế, luật pháp), thậm chí cả sử học (các tác giả kinh điển Will Durant, Arnold Toynbee, Niall Ferguson, theo tôi là hay nhất, đầy đủ nhất) và dần dần chuyển qua các triết gia có xuất thân là các nhà khoa học (tôi chọn Edmund Husserl, Merleau-Ponty, Raymond Aron, Henri Bergson, Karl Popper, Thomas Kuhn, Nick Bostrom), còn những tên tuổi cây đa cây đề cỡ Kant, Hegel, Plato tôi đề nghị đọc sau cùng, trước khi bạn sang thế giới bên kia. Nhưng nếu bạn muốn làm ra vẻ “ta đây hiểu triết học” trước năm 30 tuổi thì xin cứ tự nhiên: ít nhất thì đã có những bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn (dịch Kant và Hegel) và Đỗ Khánh Hoan (dịch Plato) sẽ giúp bạn làm điều đó.
NGUỒN: