Gender Talk 3: Lá chắn thép cho trẻ em bị xâm hại tình dục
Ngày 11/04/2019, Gender Talk #3 – hoạt động học thuật về Giới và Bình đẳng giới của Khoa KHXH, trường Đại Học Hoa Sen đã thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên các trường đại học, truyền hình và báo chí, nhà giáo dục, chuyên viên tâm lý, chuyên viên xã hội, các tổ chức NGOs và những cá nhân quan tâm tới bình đẳng giới và giáo dục giới tính.
Gender Talk #3 tập trung chia sẻ hai chủ đề dưới đây:
- Chủ đề 1: “Lá chắn thép cho trẻ em bị xâm hại tình dục” do Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ- Đoàn Luật sư TPHCM, Chi Hội Trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM (BVQTETPHCM) trình bày.
- Chủ đề 2: “Can thiệp xâm hại tình dục từ góc độ tâm lý” do TS. Lê Minh Thuận-GV ngành Tâm Lý, Trường Đại Học Hoa Sen trình bày.
Trái qua: TS. Lê Minh Thuận, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cô Doãn Thị Ngọc – GV Khoa KHXH, Trường ĐH Hoa Sen.
Mở đầu Gender Talk #3, LS. Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ những nhức nhối về tình hình xâm hại tình dục trẻ em trên cả nước. Đề cập ngay đến câu chuyện gây dạy sóng trong cả nước đó là ở Chung cư Galaxy, Quận 4, “Một bé gái đi vào thang máy và ở một mình trong tháng máy cùng lúc với một người đàn ông lạ mặt và bất ngờ bị ông ấy ép ôm hôn”. Vụ việc này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố đã tiếp nhận 74 lá đơn trên cả nước. Mọi người khẩn khiết xin Hội theo dõi sát và thay người dân lên tiếng về vụ này. LS Ngọc Nữ khẳng định nhìn vào clip này mọi người đều thấy không đơn giản là ôm nựng bé như ông ta nói. Tất cả chúng ta đều thấy rõ ràng, cháu bé quá sợ hãi nên đã tránh ra và bỏ chạy khi có thể. Chúng tôi nhận thấy hành vi này đủ yếu tố để khởi tố và đã đề nghị khởi tố.
Ngoài ra, bà Ngọc Nữ chia sẻ rằng bà đã trực tiếp tiếp nhận và can thiệp nhiều trường hợp. Ví dụ như câu chuyện em gái 15 tuổi với ước mơ trở thành cảnh sát, nhưng đã bị xâm hại tình dục và bị mang thai khi 15 tuổi. Em bé này đã được Chi hội BVQTETPHCM can thiệp, hỗ trợ để em vượt qua. Em đã sinh con và sau đó đã quay lại tiếp tục học tập. Một câu chuyện khác là cha ruột hiếp chính đứa con 9 tuổi và 7 tuổi của mình. Ông này thậm chí không công nhận cái thai và nói chẳng yêu thương gì “bọn nó” cả. Bà Ngọc Nữ nhấn mạnh tất cả các trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, dù là trai hay gái, nhưng tỷ lệ bé gái thường cao hơn bé trai và hậu quả về nỗi đau tinh thần rất nặng nề và dai dẳng suốt đời cho các bé.
Bà Ngọc Nữ cũng cho rằng để kết tội dâm ô thì cần chứng cứ, nhưng thường không dễ và gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Trên thực tế, kẻ phạm tội thì ngoan cố, chối tội, xóa dấu vết, còn gia đình nạn nhân thì rối bời, đau khổ, sốc, sợ, thường im lặng để tránh bị sang chấn tâm lý sâu sắc hơn. Khi trẻ bị xâm hại, cha mẹ không đưa các em đi giám định ngay, mà chờ đến vài ngày, lúc này trên người các em mất dấu tích, không có người làm chứng, sẽ khó khăn cho việc khởi tố, hay lôi kẻ phạm tội ra ngoài ánh sáng. Như vậy vô hình chung tạo kẽ hở về pháp luật và kẻ phạm tội thường lợi dụng tâm lý này để chối tội và chạy tội. Do đó, để bảo vệ trẻ một cách hiệu quả trước nạn xâm hại tình dục là vô cùng phức tạp.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh với khán giả nên nhớ những thông tin ngắn gọn sau đây để chung tay bảo vệ trẻ em gồm:
Về quyền trẻ em, trẻ có quyền như: quyền được sống còn; quyền được bảo vệ; quyền được phát triển; và quyền được tham gia. Đây là những quyền cơ bản; vì vậy, trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi nạn xâm hại tình dục. Đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, và toàn xã hội.
Về những nguyên tắc vàng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em gồm ba bước: phòng ngừa, can thiệp, và hỗ trợ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vậy mỗi đứa trẻ cần được hiểu rõ “cơ thể của em là của em. Không ai được xâm phạm, kể cả người lạ, lẫn người thân, người quen”. Khi trẻ em được dạy để hiểu rõ về quyền của mình, chúng sẽ tự ý thức được việc bảo vệ bản thân mình trước người khác có ý định tổn thương hay xâm hại các em.
Trước thực trạng cái ác cứ diễn ra hàng ngày hàng giờ và ngày càng phức tạp hơn, luật sư Ngọc Nữ thông tin vừa qua Hội Bảo vệ Trẻ em đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện biện pháp mới là thiến hóa học để tạo sự răn đe. Trong năm 2019, Nhà nước ta cũng đã có chương trình Năm An Toàn Cho Phụ Nữ Và Trẻ Em Gái.
Cuối cùng, bà Ngọc Nữ nhắc nhở rằng khi tiếp nhận các ca về xâm hại tình dục, các bên, đặc biệt là gia đình, nhân viên xã hội, cơ quan chức năng cần nắm vững nguyên tắc “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” ở mọi lúc, mọi nơi.
Chuyển sang chủ đề “Can Thiệp Xâm Hại Tình Dục Từ Góc Độ Tâm Lý”, TS. Lê Minh Thuận cũng trình bày bốn điểm ngắn gọn gồm:
1. Sự vào cuộc của gia đình
2. Chúng ta cần thay đổi văn hóa ứng xử
3. Gia đình, trường học cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính
4. Cần có sự can thiệp của mọi cấp, đặc biệt có sự tham gia tích cực của nhân viên xã hội.
Sự kiện thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học, truyền hình và báo chí, nhà giáo dục, chuyên viên tâm lý, chuyên viên xã hội, các tổ chức NGOs và những cá nhân quan tâm tới bình đẳng giới và giáo dục giới tính.
Cảm nhận từ sinh viên hsu & khán giả về Gender talk #3
#1: Nguyễn Thuận Ánh-Sinh viên ngành Tâm lý-Trường ĐH Hoa Sen: “Gender Talk mang lại nhiều kiến thức mang tính “khai phóng” và hữu ích cho đời sống lẫn việc học tập. Em mong chương trình tổ chức thường xuyên hơn. Em là mẹ có hai con nhỏ và cũng đang học môn Giới và Phát triển nên Gender Talk 3 với chủ đề về trẻ em bị xâm hại tình dục rất có ý nghĩa với em. Qua buổi trao đổi, em hiểu rõ các quyền trẻ em và các nguyên tắc vàng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Phòng hơn chống, do đó mỗi người lớn phải nâng cao hiểu biết để phòng chống xâm hại trẻ em trước khi vụ việc xảy ra, vì khi đó mọi việc sẽ phức tạp và khó giải quyết hơn. Nếu sự việc đã xảy ra thì việc nâng đỡ, trị liệu về mặt tinh thần đối với đứa trẻ và gia đình cần được thực hiện nghiêm túc với tình yêu thương và sự hiểu biết”.
#2: Lương Minh Kim Phụng – Sinh viên Trường ĐH Mở, “Mỗi lần em tham dự chuyên đề của Gender Talk là mỗi lần trong em thay đổi về nhận thức khá sâu sắc và có cái nhìn đa chiều hơn, không còn hạn hẹp như trước nữa”.
#3: Lê Nhật Thảo-Ngành Tâm lý-Trường ĐH Hoa Sen, “Em rất thích những chủ đề của Gender Talk đưa ra và cùng mọi người thảo luận. Tiếc rằng Gender Talk #1 và #2, em đã không tham gia được vì bị trùng lịch. Chủ đề thứ ba lần này là chủ để không chỉ riêng em mà gia đình em cũng rất quan tâm vì gia đình đông con cháu nhỏ. Và cũng mong là chương trình Gender Talk có thể diễn ra thêm một buổi khác để có thể sẽ có những bạn muốn tham gia được tham gia và không kẹt giờ”.
#4: Huỳnh Thị Mỹ Trang, sinh viên Trường ĐH Mở: “Điều em ấn tượng nhất ở buổi hội thảo là sự chuyên nghiệp của Ban tổ chức Gender Talk. Em đã học được 3 quy tắc vàng, nhiều câu chuyện, và hậu quả nặng nề của trẻ bị xâm hại tình dục. Nghe mà nghẹn, mà đau quá. Khi dự hội thảo xong, em đã tìm hiểu thêm về Gender Talk và nhìn lại lĩnh vực STEM em đang làm việc. Rõ ràng không đâu xa, ngay tại lĩnh vực em đang làm việc đã thể hiện rõ nét về giới, bất bình đẳng giới. Chính vì thế, em được thôi thúc làm gì đó cho nữ giới trong lĩnh vực STEM hay kỹ thuật. Em nghĩ rằng, “It’s belief, not ability, that makes girls think STEM or STEM Robotics is not for them”. Hy vọng em sẽ sớm thực hiện được nguyện vọng này cho cộng đồng tại TPHCM. Em mong nhận được lời mời tham gia những buổi tiếp theo của Gender Talk”.
#5:Lê Nguyễn Khánh Thư, sinh viên ngành Quản trị nguồn nhân lực của Trường ĐH Hoa Sen: “Sau khi tham gia buổi Gender Talk #3 ngày 11/4 vừa qua, em đã học được kinh nghiệm đòi quyền cho trẻ em bị xâm hại tình dục. Cô Ngọc Nữ đã kể những câu chuyện khiến em hết sức phẫn nộ và đau xót, đặc biệt một bé 13 tuổi câm điếc, bị người hàng xóm xâm hại, dẫn tới có thai, và sinh con ở tuổi 13. Cô Ngọc Nữ cũng ngầm gửi “Im lặng là tội ác”. Cha mẹ, nhà trường cần phải quan tâm bảo vệ con mình, phải mạnh dạn tố cáo, và phải giáo dục cho trẻ về các các quyền và ba nguyên tắc vàng. “Cơ thể của trẻ em không ai được phép xâm phạm” và người lạ phải đứng cách xa trẻ 1m. Khi gặp người lạ có hành vi xâm hại, trẻ nên hô hào để được sự giúp đỡ của người lớn”. Thầy Lê Minh Thuận đã giúp em có cái nhìn rõ và sâu hơn trong việc can thiệp xâm hại tình dục. Hậu quả là nỗi đau dai dẳng và khó phát triển bình thường, rối loạn ám ảnh và tệ hơn là có thể tự tử. Cuối cùng, con cái và cha mẹ cần chia sẻ tâm tư với nhau khi có vấn đề. Các trường cần có chương trình giáo dục giới tính để các em có thể hiểu rõ và biết cách bảo vệ mình”.
#6: Nguyễn Thị Thủy Tiên, hiện đang là sinh viên năm 3 của Trường ĐH Hoa Sen: “Gender Talk đã để lại cho em nhiều ấn tượng vì em được nghe câu chuyện “xâm hại tình dục ở trẻ em”. Em hiểu về các quyền, bốn quy tắc vàng hay cách phòng thân cho trẻ em. Em xin chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức đã giúp em và tất cả mọi người có cách nhìn đúng, rộng và sâu về xâm hại tình dục trẻ em. Em mong sao sẽ có nhiều Gender Talk để mọi người có thể có thêm nhiều hiểu biết. Em cũng thấy trong xã hội vẫn đã và đang có những con người thầm lặng đấu tranh cho lẽ phải và sự công bằng, mặc cho có khó khăn cách trở như thế nào cũng không thể nào làm họ lùi bước. Bởi họ làm việc bằng cả trái tim, tình yêu thương và cả sự nhiệt huyết trong bản thân họ. Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn Gender Talk #3”.
#7: Nguyễn Đình Thiên Hào-sinh viên Trường ĐH Hoa Sen: “Qua buổi Gender Talk, em tích lũy được những kiến thức và kỹ năng quý giá như: các quyền của trẻ em: Được sống còn; Được bảo vệ; Được phát triển; Được tham gia. Em cũng hiểu rõ về những nguyên tắc vàng:Phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ. Mỗi đứa trẻ cần được hiểu rõ “cơ thể của em là của em. Không ai được xâm phạm, kể cả người lạ lẫn người thân, người quen”. Khi trẻ em hiểu rõ về quyền của mình, chúng sẽ ý thức được việc bảo vệ bản thân mình trước người khác. Việc phòng chống xâm hại đối với trẻ em là của mọi người, mọi nhà và toàn xạ hội. Cuối cùng, “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim. Bảo vệ trẻ em bằng hành động” – là một sinh viên và là một người trí thức trong tương lai, em nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình cũng như những đứa trẻ trong cộng đồng, vì một môi trường sống ngày càng lành mạnh, phát triển, văn minh hơn”.
Tác giả: Doãn Thị Ngọc – GV Khoa KHXH, Trường ĐH Hoa Sen