Bài báo khoa học, ISI và một số “thước đo” đánh giá nhà khoa học
Bài báo khoa học, ISI và một số “thước đo” đánh giá nhà khoa học
1. Mở đầu
Ngày 26/11/2011, trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa VCCA 2011, các đại biểu tâm huyết đã tổ chức Diễn đàn trao đổi về Điều khiển học và chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước. Trong diễn đàn này, các đại biểu đã làm rõ nhu cầu và vạch ra con đường phát triển nghiên cứu cơ bản về Điều khiển học, được coi là “linh hồn của lĩnh vực Điều khiển và tự động hóa”.
Theo đó, Điều khiển học cần được tham gia vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước, cụ thể là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED. Thay vì đưa các đề tài về Điều khiển học “len lỏi” vào các hội đồng chuyên môn về Toán học, Tin học hoặc Cơ học, các đại biểu nhất trí rằng cần đề xuất với Nhà nước lập hội đồng khoa học riêng về ngành Điều khiển học. Đó đương nhiên là những ý kiến xác đáng và cần phải thực hiện.
Tuy nhiên, quỹ NAFOSTED được vận hành theo những quy định về tiêu chí rất chặt chẽ xoay quanh giá trị khoa học của đề tài và thành tích khoa học của người đăng ký chủ trì cũng như của thành viên hội đồng khoa học. Những giá trị và thành tích khoa học này được “đo” theo những tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, kết quả của đề tài phải là các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học ISI (sau đây gọi tắt là “chuẩn ISI”), người đăng ký chủ trì cũng phải có ít nhất 2 bài báo chuẩn ISI trong 5 năm trở lại đây. Như vậy, để tham gia vào “sân chơi NAFOSTED”, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực của chúng ta trước tiên cần phải nắm rõ các vấn đề về tiêu chí quốc tế chuẩn mực trong khoa học như ISI. Người viết bài này nhận thấy rằng đây là những vấn đề ít nhiều còn xa lạ với không ít người trong ngành của chúng ta. Bài viết này giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về một số thước đo định lượng đánh giá nghiên cứu cũng như đánh giá nhà khoa học. Trước đó, nhằm mục đích định hướng cho những nhà nghiên cứu trẻ (sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh), người viết giới thiệu và phân tích ngắn gọn về vai trò, giá trị và cấu trúc của một bài báo khoa học. Cuối cùng, một số vấn đề đặc thù của ngành Điều khiển và Tự động hóa trong đánh giá nghiên cứu sẽ được nêu và phân tích cùng với những đề xuất của người viết nhằm đưa ngành của chúng ta vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước.
Bài viết này giúp cho những nhà nghiên cứu trẻ mới bước chân vào con đường khoa học để tự vạch ra những mục tiêu cũng như phương pháp nghiên cứu của mình sao cho phù hợp với những chuẩn mực của quốc tế. Các chuyên gia đầu ngành, những nhà nghiên cứu đã có kinh nghiệm cũng có thể tham khảo để tự đánh giá những nghiên cứu của bản thân và hướng dẫn cho những sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của mình.
2. Bài báo khoa học
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình nghiên cứu
Ta có thể nói rằng bài báo khoa học chính là sợi chỉ xuyên suốt quá trình nghiên cứu, từ khi bắt đầu tới khi kết thúc. Khi bắt đầu một đề tài, người nghiên cứu sẽ phải tìm đọc các bài báo của các tác giả khác về lĩnh vực đó nhằm hai mục đích: học những kiến thức nền tảng và nắm bắt xu thế nghiên cứu của đề tài. Từ đó, nhà nghiên cứu định ra con đường của mình, tìm hướng nghiên cứu riêng của mình. Một công trình nghiên cứu chỉ được coi là có giá trị khoa học khi kết quả của nó có thể được viết thành các bài báo đăng trên các tạp chí hoặc báo cáo ở các hội nghị khoa học quốc tế được thẩm định về chuyên môn thông qua phản biện của các chuyên gia (peer-review, có người gọi là “bình duyệt”). Bắt đầu bằng việc đọc và học từ bài báo của người khác và kết thúc ở việc công bố bài báo của bản thân mình, đó là một chu trình bắt buộc của nghiên cứu.
“Công bố hay là chết” (Publish or Perish)
Có nhiều người từ trẻ tuổi đến gạo cội trong ngành của chúng ta có quan niệm sai lầm, hiểu sai về vai trò của bài báo khoa học và việc công bố bài báo khoa học. Thường xuất hiện những suy nghĩ như sau:
– Bài báo chỉ là thứ để giải quyết vấn đề bằng cấp. Do yêu cầu phải có báo mới được bảo vệ luận án (tiến sĩ) nên ta phải viết báo.
– Nghiên cứu ứng dụng là phải ra sản phẩm có tính thương mại, phục vụ đời sống chứ không phải là viết báo. Giá trị của nghiên cứu nằm ở công dụng của sản phẩm chứ không phải ở chất lượng bài báo. Tư duy này khá phổ biến trong các ngành kỹ thuật công nghệ với suy nghĩ rằng nghiên cứu ứng dụng không cần công bố bài báo mà điều đó chỉ quan trọng trong nghiên cứu cơ bản.
Đây đều là những ngụy biện sai lầm. Sự cần thiết của việc công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế và những lập luận chống lại những tư duy sai lầm này đã được những nhà khoa học tâm huyết đề cập đến nhiều lần như trong các tài liệu [1 – 3]. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không đi vào phân tích những sai lầm đó mà chỉ muốn nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của bài báo khoa học đối với nghiên cứu. Như sẽ trình bày trong phần sau, ta thấy rằng mọi đánh giá về nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học đều dựa trên bài báo khoa học. Thậm chí trong giới khoa bảng phương Tây còn có câu thành ngữ “publish or perish”, tạm dịch là “công bố hay là chết”. Nếu sử dụng cho ý nghĩa về “sinh mệnh khoa học” thì câu nói này hoàn toàn không hề phóng đại. Luật của thế giới là đánh giá công trình nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học qua bài báo, nếu anh không có báo tức là anh đứng ngoài cuộc chơi và không được cộng đồng khoa học thừa nhận.
Cấu trúc một bài báo khoa học
Nhìn chung, một bài báo khoa học có cấu trúc gồm các phần [4]: Giới thiệu (Introduction), Phương pháp (Materials and Method), Kết quả và đánh giá, bình luận (Results and Discussion) và Kết luận (Conclusion). Đây là một cấu trúc tổng quan cho tất cả các ngành, bạn đọc có thể tham khảo ở [4] hoặc nhiều tài liệu khác. Người viết bài này muốn trình bày một cấu trúc chi tiết và đặc thù hơn trong ngành Điều khiển và Tự động hóa như sau:
1. Giới thiệu (Introduction). Trong phần này, tác giả cần làm rõ đối tượng nghiên cứu, động lực nghiên cứu (tại sao cần nghiên cứu đối tượng này), tình hình nghiên cứu qua công trình của các tác giả khác với đánh giá về ưu nhược điểm của chúng, mục tiêu của nghiên cứu và cuối cùng là cấu trúc của bài báo.
2. Mô tả hệ thống và phương pháp đang được sử dụng (System configuration and current methods/techniques). Các nghiên cứu trong ngành Điều khiển và Tự động hóa thường làm việc với một đối tượng xác định. Trong phần này, tác giả cần phải mô tả cấu hình hệ thống, mô hình hóa đối tượng (mô hình toán học) và mô tả phương pháp, kỹ thuật hay thuật toán đang được sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, nếu công trình của tác giả là một thuật toán cải tiến chất lượng cho hệ điều khiển vector động cơ không đồng bộ thì trong phần này, tác giả phải mô tả cấu hình hệ truyền động, mô hình hóa động cơ và hệ truyền động và trình bày những chi tiết cơ bản về phương pháp điều khiển vector thông thường.
3. Phương pháp do tác giả đề xuất (Proposed method/technique). Tác giả phải trình bày những hạn chế của phương pháp đã biết và đề xuất phương pháp của mình. Đó có thể là một phương pháp mới hoặc một kỹ thuật để cải tiến phương pháp đã biết. Đây là giá trị khoa học chính của bài báo. Bài báo có được đăng hay không, chất lượng thế nào phụ thuộc chủ yếu vào phần này.
4. Kết quả mô phỏng và thực nghiệm với các đánh giá về kết quả (Simulation and experimental results and evaluations). Trong phần này tác giả trình bày các kết quả mô phỏng và thực nghiệm để chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của phương pháp đề xuất. Cần phải có các đánh giá, phân tích và bình luận cho mỗi kết quả.
5. Kết luận (Conclusion). Đây là phần đánh giá lại toàn bộ phương pháp (những ưu điểm và tồn tại của nó), nhấn mạnh lại đóng góp khoa học của bài báo. Cuối cùng tác giả có thể gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo.
6. Phụ lục (Appdendix). Bài báo có thể có phụ lục. Đây có thể là bảng số liệu, kết quả mô phỏng và thực nghiệm hoặc những tính toán và chứng minh toán học chi tiết. Những phần đưa vào phụ lục là những phần rất quan trọng, nhưng nếu đưa vào nội dung bài báo sẽ khiến cho nó trở nên phức tạp, dài và khó theo dõi. Bài báo nên được trình bày mạch lạc, rõ ràng để người đọc hiểu được công việc của tác giả. Sau đó, những điều được trình bày trong phụ lục sẽ làm rõ hơn hoặc chặt chẽ hơn đóng góp của tác giả. Đôi khi đây lại là phần hay và giá trị nhất của bài báo.
Đối với từng loại bài báo và từng lĩnh vực cụ thể, cấu trúc trên có thể có sự thay đổi. Chẳng hạn một bài báo về Lý thuyết điều khiển sẽ xoay quanh các thuật toán mà có thể không có một cấu hình hệ thống cụ thể. Các kết quả mô phỏng hoặc thực nghiệm nếu có thường chỉ để minh họa cho tính ứng dụng của thuật toán. Trong khi đó, với một nghiên cứu về Điện tử công suất hoặc Truyền động điện thì cấu hình hệ thống và các kết quả là không thể thiếu. Trong lĩnh vực này, một bài báo có kết quả thực nghiệm thường được đánh giá cao hơn một bài chỉ dừng ở mô phỏng. Tuy vậy, dù trong trường hợp nào, giá trị khoa học quyết định của bài báo cũng nằm ở đóng góp mang tính học thuật của tác giả về phương pháp đề xuất, đó gọi là yêu cầu về “cái mới” (novelty) của các công bố khoa học.
Còn một dạng bài báo nữa thường được đọc và trích dẫn rất nhiều (sẽ đề cập ở phần sau) là các bài tổng quan (review paper). Đây thường là những bài báo do các tác giả có uy tín viết, nó là đánh giá tổng quan về một sự phát triển, một nhánh nghiên cứu nào đó với những nhìn nhận, phân tích và tổng hợp dựa trên kết quả nghiên cứu của chính tác giả và của các tác giả khác. Loại bài báo này có thể không có phương pháp đề xuất mới, mà giá trị của nó nằm ở những đánh giá tổng hợp của tác giả giúp người đọc có cái nhìn hệ thống về các vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn.
Không chỉ dành cho bài báo, cấu trúc trên còn là cấu trúc điển hình của một báo cáo khoa học, đồ án tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ. Hơn thế nữa, một quy trình nghiên cứu cũng theo đúng cấu trúc như trên. Người làm nghiên cứu đầu tiên phải đọc công trình của các tác giả khác để học nền tảng kiến thức và xác định rõ mục tiêu cũng như hướng nghiên cứu của mình. Sau đó, bằng việc phân tích đánh giá ưu và nhược điểm của các phương pháp đã có, ta tìm ra “khe hở”, từ đó đề xuất ra phương pháp của mình. Sau khi có ý tưởng và phương pháp, ta xây dựng các mô phỏng và hệ thống thực nghiệm để thử nghiệm các phương pháp cũ và mới, từ đó điều chỉnh phương pháp đề xuất và công bố kết quả là bài báo của mình khi nghiên cứu đã hoàn thiện.
3. Khái niệm về ISI
Trong phần trên, ta đã bàn về vai trò của bài báo khoa học. Các bài báo sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học (academic journal, có người gọi là “tập san”) hoặc báo cáo tại các hội nghị khoa học. Tuy vậy, không phải tạp chí và hội nghị nào cũng có giá trị như nhau và đều được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Ta dễ thấy những tạp chí của Việt Nam hầu như có rất ít giá trị đối với thế giới. Có những tạp chí đăng bài tương đối dễ, có những tạp chí là niềm mơ ước cả đời không với tới được của nhiều nhà khoa học. Vậy thế nào là “được công nhận” và “không được công nhận”; thế nào là “dễ” và “khó”?
Vấn đề chất lượng của tạp chí, việc “dễ” và “khó được nhận” sẽ được đề cập ở phần sau. Câu hỏi về “tạp chí nào được công nhận” có thể được trả lời một cách đơn giản: tạp chí nằm trong danh sách thống kê của Viện Thông tin Khoa học ISI (Institute for Scientific Information). ISI được thành lập bởi Eugene Garfield, một nhà khoa học người Mỹ, vào năm 1960 và sau đó được sáp nhận vào tập đoàn Thomson Reuters. ISI thống kê, đánh giá và xếp hạng hàng nghìn tạp chí khoa học thuộc hầu hết các lĩnh vực tạo thành một bộ cơ sở dữ liệu thông tin khoa học đáng tin cậy với nhóm [5]:
– SCI (Science Citation Index) có 3773 tạp chí thuộc 100 ngành. Sau đó có SCIE (Science Citation Index Expanded với 8207 tạp chí thuộc 150 ngành. Có thể xem rằng các tạp chí thuộc SCI được đánh giá cao hơn các tạp chí thuộc SCIE (mở rộng).
– SSCI (Social Sciences Citation Index) gồm 2697 tạp chí và 3500 công trình của 50 ngành. A&HCI (Art and Humanities Citation Index) gồm 1470 tạp chí và 6000 công trình. Đây là những tạp chí thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, Khoa học Xã hội và Nhân văn.
– CPCI (Conference Proccedings Citation Index) gồm 110000 tuyển tập hội nghị.
4. Một số thước đo đánh giá nhà khoa học
Trong phần này, người viết sẽ giới thiệu hai chỉ số cơ bản và thường được sử dụng để đánh giá các công trình nghiên cứu và đánh giá các nhà khoa học; cùng với đó là một số phân tích về ưu và nhược điểm của những thước đo này.
a. Chỉ số trích dẫn (Citation Index)
Chỉ số trích dẫn được Garfield đưa ra vào năm 1955, đó là toàn bộ số lần một bài báo được trích dẫn trong các tài liệu khác [6]. Đây là chỉ số đơn giản nhất và cũng là quan trọng nhất vì nó là nền tảng để tính các chỉ số khác. Một cách định tính, ta thấy rằng một bài báo có chất lượng của một tác giả uy tín sẽ được nhiều người đọc, tham khảo và trích dẫn và ngược lại. Do vậy, có thể lấy số lần trích dẫn để đo giá trị của bài báo, tạp chí và tác giả.
Tuy đây là một chỉ số hợp lý, nó có những vấn đề gây khó khăn cho việc đánh giá. Trong bài viết này, người viết đề cập đến hai vấn đề: sự khác nhau giữa kết quả từ các công cụ thống kê khác nhau và văn hóa trích dẫn của từng ngành.
Hình 1. Kết quả tìm kiếm theo IEEExplore.
Hình 2. Kết quả tìm kiếm theo ISI Web of Science.
Sự khác biệt về kết quả giữa các công cụ thống kê
Việc thống kê trích dẫn của các tạp chí và bài báo ngày nay đều dựa trên các công cụ tìm kiếm và thống kê bằng máy tính. Trên thế giới có rất nhiều các công cụ như vậy. Đối với ngành Điều khiển và Tự động hóa, người viết giới thiệu ba công cụ: IEEExplore, ISI Web of Science và Google Scholar. IEEExplore () thống kê tất cả các ấn phẩm gồm sách, báo, tạp chí, kỷ yếu hội nghị và tiêu chuẩn của tổ chức IEEE (Institute of Electrical and Electronic Engineers) và IET (Institution of Engineering and Technology). ISI Web of Science () là công cụ thống kê và tìm kiếm của ISI. Google Scholar () là dịch vụ của Google với bộ cơ sở dữ liệu được coi là phong phú nhất trong các công cụ tìm kiếm (tuy nhiên họ không công bố danh sách cơ sở dữ liệu này).
Do dựa trên những cơ sở dữ liệu khác nhau nên kết quả thống kê của các công cụ này cũng khác nhau. Lấy một ví dụ, người viết bài này có bài báo “Convergence Improvement of Efficiency-Optimization Control of Induction Motor Drives” đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Industry Applications năm 2001, sử dụng ba công cụ tìm kiếm khác nhau đem lại ba kết quả khác nhau, với các kết quả là 22, 26 và 98 như các Hình 1, 2 và 3.
Hình 3. Kết quả tìm kiếm theo Google Scholar.
Sự khác biệt về văn hóa trích dẫn của mỗi ngành
Có một vấn đề là ta rất khó so sánh các công trình và các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau dựa trên số lần trích dẫn. Lý do là mỗi ngành có một “văn hóa trích dẫn” khác nhau. Có ngành trích dẫn nhiều, có ngành trích dẫn ít. Một thống kê trên Hình 4 cho ta cái nhìn về sự khác nhau giữa số lần trích dẫn trung bình trên một bài báo ở các ngành khoa học khác nhau [7]. Ngành Điều khiển và Tự động hóa của ta có tỉ lệ tương tự như nhóm ngành thấp nhất (Toán và Tin học). Như vậy, ta có thể nhận định gần đúng rằng một bài báo trong ngành Toán được trích dẫn 2 lần sẽ tương đương với một bài báo trong ngành Vật lý được trích dẫn 6 lần. Sự khác biệt về văn hóa trích dẫn này dẫn tới những sự chênh lệch và khác biệt lớn về hệ số ảnh hưởng sẽ được trình bày dưới đây.
Bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề khác như việc trích dẫn chỉ là để nhắc lại lịch sử trong phần tổng quan của bài báo. Lúc này, một bài báo được trích dẫn cao chưa hẳn đã là do giá trị của nó. Chẳng hạn như những công trình nghiên cứu về truyền điện không dây (Wireless Power Transfer) rất hay trích dẫn bằng sáng chế của Nikola Tesla “Apparatus for Transmitting Electrical Energy”, US patent 1,119,732 năm 1902 (mặc dù đây không phải là “bài báo” nhưng vẫn là một ví dụ tốt) vì đây là nỗ lực đầu tiên để truyền năng lượng điện không qua dây dẫn; mặc dù trên thực tế Tesla đã thất bại, thiết bị này không hoạt động.
Hình 4. Số lần trích dẫn trung bình trên một bài báo thuộc các nhóm ngành khác nhau. Dữ liệu từ Thomson Scientific năm 2000 [7].
b. Hệ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF)
Hệ số ảnh hưởng (IF) là thông số được tính hàng năm cho mỗi tạp chí, nó thể hiện rằng các bài trong tạp chí đó được trích dẫn nhiều hay ít, nghĩa là chất lượng của tạp chí cao hay thấp. Thông số này được tính hàng năm và thay đổi theo thời gian, có khi biến động rất lớn.
Hệ số ảnh hưởng của một tạp chí trong năm N được tính bằng tổng số lần các bài báo trong tạp chí đó được trích dẫn trong 2 năm trước N (tức là N-1 và N-2) chia cho tổng số bài báo trong hai năm đó. Chẳng hạn, Nếu một tạp chí A có tất cả 100 bài trong hai năm 2009 và 2010 và được trích dẫn tổng cộng 170 lần thì hệ số ảnh hưởng của năm 2011 sẽ là IF_2011 = 170/100 = 1.7.
Hệ số ảnh hưởng cho biết uy tín và chất lượng của tạp chí. Hệ số này càng cao thì tạp chí càng có uy tín và càng khó để có bài được đăng trên tạp chí này. Một bài báo được đăng trên một tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao sẽ được đánh giá cao, dễ được đọc và được trích dẫn hơn. Một nhà khoa học đăng được bài trên tạp chí chất lượng và bài báo được trích dẫn nhiều sẽ được đánh giá cao.
Vì hệ số ảnh hưởng (và thực tế là hầu hết các thước đo khác) được tính dựa trên chỉ số trích dẫn nên nó mang đầy đủ những hạn chế đặc thù của hệ số trích dẫn. Một thống kê rất thú vị và chi tiết về sự khác biệt giữa hệ số ảnh hưởng trung bình của các lĩnh vực được trình bày trong [8], người viết trích giới thiệu trong Hình 5. Trong hình, hệ số của một số lĩnh vực liên quan gồm Lý thuyết điều khiển, Hệ thống điện, Trường điện từ và Khoa học máy tính được chỉ rõ (khoanh đỏ) trong tương quan so sánh với hai ngành có hệ số thuộc nhóm cao nhất là Y học và Sinh học phân tử và tế bào.
5. Đề xuất liên quan đến một số vấn đề đặc thù của ngành Điều khiển và Tự động hóa
Ta quay trở lại với vấn đề về việc đưa Điều khiển học, cũng như Điều khiển và Tự động hóa nói chung tham gia vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước. Như đã nói ở trên, việc này đòi hỏi các nhà khoa học trong ngành phải có công bố trên các tạp chí ISI. Quy định này có phần gây khó cho các nhà nghiên cứu thuộc ngành Điều khiển và Tự động hóa nói riêng cũng như ngành Điện nói chung, bởi lẽ, quy định cứng về tạp chí ISI đã bỏ qua một yếu tố quan trọng liên quan tới “văn hóa công bố” của ngành. Đối với những ngành khác như Toán học, Vật lý hay Sinh học thì các báo cáo tại hội nghị không được tính là bài báo nghiên cứu, không tính vào thành tích khoa học. Tuy nhiên, điều này không đúng đối với ngành Điện, Điện tử và Tin học. Với nhóm ngành này, bài báo ở các hội nghị có chất lượng cao được đánh giá không thua kém bài báo trong các tạp chí. Ta có thể thấy rất rõ điều này khi đọc phần trích dẫn (tài liệu tham khảo) các bài báo của ngành, trong đó các bài báo hội nghị được trích dẫn rất nhiều.
Như vậy, người viết bài này có một ý kiến rằng khi đề xuất lập hội đồng về Điều khiển học, chúng ta nên đề nghị hội đồng khoa học quốc gia xem xét và điều chỉnh tiêu chuẩn đối với ngành Điều khiển học, cho phép tính các bài báo tại các hội nghị được liệt kê bởi ISI (CPCI, đã đề cập ở cuối phần 3) do những đặc thù về văn hóa công bố của ngành như vừa phân tích.
Hình 5. Thống kê hệ số ảnh hưởng trung bình giữa các lĩnh vực [8].
6. Kết luận
Trong bài viết này, tác giả đã trình bày về vai trò, tầm quan trọng và cấu trúc điển hình của bài báo khoa học, tiếp đó là những khái niệm cơ bản để đánh giá nghiên cứu và đánh giá nhà khoa học, cuối cùng là một phân tích và đề xuất về vấn đề văn hóa ngành trong công bố nghiên cứu. Tác giả hy vọng bài viết sẽ là một tài liệu tham khảo tốt cho những nhà nghiên cứu trẻ trong định hướng và xác định mục tiêu trong khoa học. Cuối cùng, tác giả mong rằng bài viết sẽ đóng góp được một số ý kiến nhỏ trong nỗ lực đưa Điều khiển học vào chương trình nghiên cứu cơ bản của Nhà nước.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Văn Tuấn, “Chín lý do cho công bố quốc tế”, blog cá nhân nguyenvantuan.net, 08/2009.
[2] Nguyễn Văn Tuấn, “Một vài hiểu lầm tai hại”, Tạp chí Tia Sáng, bản điện tử, ngày 03/02/2009.
[3] Phạm Đức Chính, “Lực cản từ chính một số cây đa cây đề”, Tạp chí Tia Sáng, bản điện tử, ngày 02/02/2009.
[4] Nature Education, “English Communication for Scientists – Part 2.1: Structuring Your Scientific Paper”, online: .
[5] Hồ Tú Bảo, “Đánh giá định lượng kết quả nghiên cứu khoa học”, Seminar Đánh giá định lượng kết quả nghiên cứu khoa học, tp HCM, 2010.
[6] Eugene Gafield, “Citation Indexes for Science: A New Dimension in Documentation through Association of Ideas”, Science, 122(3159), 1955.
[7] Adler, R., Ewing, J., Taylor, P., “Citation Analysis”, Statistical Science, 24(1), 1-14, 2009.
[8] Althouse, B.M., West, J.D., Bergstrom, T.C., and Bergstrom, C.T., “Differences in Impact Factor Across Fields and Over Time”, Journal of the American Society for Information Science and Technology, 60(1), 27-34, 2009.
Tạ Cao Minh Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội
Số 134 (1+2/2012)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay