HSU đồng hành cùng UNESCO tổ chức khóa học về nghệ thuật kể chuyện “Show don’t tell”
Ngày 18/3/2021, tổ chức UNESCO phối hợp với Khoa Thiết kế và Nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen đã khai giảng Khóa học về nghệ thuật kể chuyện “Show don’t tell”.
Phát biểu tại Lễ Khai giảng, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất yêu quý đất nước Việt Nam và quãng thời gian được sống và làm việc tại đây. Tôi cho rằng xã hội cần những người kể chuyện để xâu chuỗi và nói lên những điều tự hào của đất nước mình, và đó là lý do khoá học “Show don’t tell” được UNESCO tài trợ để góp phần đóng góp vào nhiệm vụ “kể chuyện về Việt Nam với bản sắc và những điều tốt đẹp” để thế giới ngoài kia được biết”. Ông Croft cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến Trường ĐH Hoa Sen, nơi đã tạo điều kiện cho UNESCO được thực hiện ý tưởng mở khóa học đặc biệt này.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam
“Việt Nam và các nước Đông Nam Á có những bản sắc tuyệt vời nhưng chưa được thể hiện trên màn ảnh. Ở góc nhìn của Ban văn hoá UNESCO, chúng tôi mong muốn sự đa dạng văn hoá ở nhiều quốc gia được thế giới mà đặc biệt là thế hệ trẻ được biết. Hiện tại, có rất ít sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho các nhà làm phim độc lập để thực hiện những dự án tôn vinh và bảo tồn di sản văn hoá của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng. Từ năm 2018, UNESCO đã triển khai nhiều hoạt động ưu tiên cho mục tiêu và chiến lược này. Với E-MOTIONS, UNESCO sẽ tìm những giải pháp để hướng đến mục tiêu hỗ trợ những nhà làm phim, biên kịch… thực hiện những đề tài điện ảnh mang những giá trị và bản sắc văn hoá Việt Nam lan tỏa”, theo Bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hoá Unesco tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hoá UNESCO tại Hà Nội
PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thuý, Q. Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết : “Chúng tôi rất tự hào là đơn vị đồng tổ chức sự kiện này. Tôi hy vọng 40 học viên đã qua vòng sơ tuyển là các nhà làm phim trẻ, đặc biệt là các em sinh viên Hoa Sen năm cuối trong lĩnh vực Phim, lĩnh vực Quản trị Công nghệ Truyền thông sẽ học hỏi được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích.”
“Tôi cũng hy vọng Khóa học sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc tạo ra các kịch bản tốt, chất lượng phục vụ cho nền điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển. Với triết lý đào tạo giáo dục khai phóng, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật của Trường luôn mong muốn hướng đến việc hợp tác với các đối tác sư phạm quốc tế để có những cách tiếp cận mới. Trường hân hạnh đón nhận sự hợp tác của UNESCO để tổ chức những khóa học chuyên đề – Một hoạt động học thuật thuộc lĩnh vực đào tạo của Khoa Thiết kế và Nghệ thuật.”, PGS.TS Thúy chia sẻ thêm.
PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thuý, Q. Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen
Tại buổi lễ khai giảng, Nữ biên kịch Kay Nguyễn, giảng viên chính của Khóa học “Show don’t tell” rất vui mừng vì đã tuyển chọn những bạn học viên phù hợp, có tình yêu và lòng đam mê đến với khóa học nghệ thuật kể chuyện này thông qua quy trình xét tuyển nghiêm ngặt. Khóa học sẽ được triển khai với nhiều hoạt động trong lớp học, chủ yếu để truyền cảm hứng và nuôi dưỡng ý tưởng cho người biên kịch.
Nữ biên kịch Kay Nguyễn
Trong khuôn khổ của dự án E-MOTIONS – Thúc đẩy kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim của UNESCO, khóa học phi lợi nhuận này được tổ chức tại Trường ĐH Hoa Sen từ 18-21/3/2021 đã hội tụ nhiều bạn trẻ đầy nhiệt huyết và tư duy sáng tạo đến từ các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam.
Tham dự chương trình, người học sẽ được phát huy khả năng sáng tạo và phương pháp tư duy để đi một chặng đường dài trong chặng đường sáng tạo của điện ảnh. Từ giai đoạn hình thành ý tưởng, hình thành nhân vật và câu chuyện, cách tham khảo và bắt mạch thị trường, cách viết “treament”, hình thành chỉnh sửa ý tưởng, các khâu đóng gói một sản phẩm, các nội dung quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phim và quy trình làm phim… Sau những kiến thức nhận được từ chương trình, người học cần trải nghiệm và thực hành thật nhiều để hình thành nên những ý tưởng và theo đuổi cho tới khi triển khai được từng ý tưởng trên màn ảnh.
Nguyễn Anh