Hội nhập ASEAN, coi chừng chậm chân – Kỳ 2: Để không bị loại khỏi cuộc đua
Dù muộn còn hơn không, các trường bằng mọi cách phải nâng chất lượng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra đạt chuẩn. Nếu không, các kỹ sư, cử nhân Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.
Sinh viên trong giờ học tiếng Anh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, quá trình hội nhập không thể đùng một cái mà phải có sự chuẩn bị chủ động từ nhiều năm trước đây. Các trường chưa chuẩn bị phải lên kế hoạch ngay từ bây giờ. “Chẳng hạn, nên xây dựng chương trình học bằng tiếng Anh cho các ngành để đón tiếp sinh viên các nước khác”, ông Nghĩa cho biết.
Dù là trường ngoài công lập nhưng Hoa Sen là một trong những trường ĐH hiếm hoi ý thức quốc tế hóa môi trường đào tạo. Theo tiến sĩ Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm nay chương trình học, tài liệu học tập của trường đều đã có phiên bản bằng tiếng Anh. Đặc biệt, từ năm 2011 trường có 4 ngành học sinh viên có thể chọn lựa học bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Ngay cả chương trình tiếng Việt cũng có những môn học bằng tiếng Anh. Riêng ngành du lịch và thiết kế thời trang, tất cả sinh viên bắt buộc phải theo học bằng tiếng Anh một học phần nhất định. Chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường từ năm 2006 cũng yêu cầu sinh viên phải có các chứng chỉ quốc tế thực sự.
Tiến sĩ Phượng nhấn mạnh: “Cách làm này của trường nhằm mục tiêu xa hơn là dù tốt nghiệp ở Việt Nam nhưng các sinh viên của trường cần phải có sức cạnh tranh với sinh viên bên ngoài, ít nhất là từ các nước trong khu vực”. Bà Phượng phân tích: “Chúng tôi đã cảnh báo cho sinh viên từ rất sớm về thị trường lao động mở vào cuối năm 2015, dù không cần đi đâu khỏi Việt Nam thì người khác vẫn sẽ đến đây và cạnh tranh gay gắt với mình. Do vậy, nếu không tự trang bị những điều kiện cần có, trước hết là ngoại ngữ, sinh viên sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua này”…
(Nguồn: Thanh Niên, 25/9/2013)