Hoa Sen trong tôi là…
Thân gửi bạn,
Xin chào, xin tự giới thiệu với bạn tôi tên là Uyển My- một sinh viên năm 2 thuộc ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Hoa Sen. Sắp tới là kỷ niệm 25 năm thành lập trường nên tôi cũng có đôi điều muốn chia sẻ với bạn thông qua cuộc thi “Hoa Sen trong tôi là….”. Mặc dù cấp 3 tôi học khối D nhưng khả năng viết thì dở tệ, vậy những dòng tôi viết sắp tới có lủng củng hay sai gì cũng mong bạn bỏ qua. Trước khi điền vào chỗ trống cho câu “Hoa Sen trong tôi là…”, tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện và nói lên những suy nghĩ của mình trước cũng như sau khi vào Hoa Sen. Đây là một câu chuyện khá dài nên tôi mong bạn sẽ không ngủ mất khi đọc.
Phải thừa nhận rằng cấp 3 tôi học hành không giỏi lắm, nếu không muốn nói là dở tệ. Phần lớn dẫn tới chuyện này có lẽ là do tôi đã ngủ quên trên chiến thắng của mình quá lâu, vì cấp 2 tôi học thuộc loại giỏi trong lớp và sau khi thi chuyển cấp thì đậu vào một trường khá có tiếng (ít nhất là đối với những quận gần nhà tôi). Sau khi đậu cấp 3 gia đình khá tự hào về tôi, cả bản thân tôi cũng thấy có chút tự hào vì tôi là đứa không thông minh, chỉ biết dựa vào sự cần cù của mình để bù lại. Có lẽ chính vì vậy mà tôi phải trả cái giá khá đắt khi học lực cấp 3 của tôi là một chuỗi trung bình, khá. Tôi mải cho mình thời gian nghỉ ngơi sau bao ngày học vất vả, đến chỗ học thêm cũng không tìm để học trước mà chờ vào năm chừng 2-3 tháng mời lọ mọ hỏi bạn bè chỗ học.
Đọc đến đây bạn cũng hiểu, học trễ như vậy chả thể nào theo kịp chúng bạn, chưa kể khi đó tôi lại lười, thầy cô dạy sao thì biết vậy chứ không tự tìm tự học thêm ở nhà.
Thế là chuỗi ngày tháng mất căn bản kéo từ lớp 10, 11 và sang tận 12. Phải nói thời kì học 12 là kinh khủng nhất, tôi đổi từ chỗ học thêm này sang chỗ khác chỉ để cầm chắc tấm vé đậu vào một trường đại học công lập. Vì nhà tôi bố mẹ làm việc chỉ đủ nuôi gia đình, không có khả năng lo cho tôi học ở những trường dân lập với số tiền tính đến hàng chục hàng trăm triệu. Chuỗi ngày học 12 đã mệt mỏi, chuỗi ngày gần thi đại học còn căng thẳng hơn. Tôi phải học ở trường từ sáng tới chiều, sau đó là học thêm từ chiều đến tối khuya.
Thậm chí có những ngày tôi trở về nhà khi đồng hồ đã điểm 11 giờ 30 phút. Thật sự thời gian đó cố lắm tôi cũng không khá hơn được, vì tôi không biết vô trường gì ngành gì cả, mọi lựa chọn bấy giờ là theo bạn bè mà thôi, mà học vậy động lực thì không có. À thì đó là những ngày ôn thi thôi, còn ngày đi thi mới ác liệt. Gia đình bên nội tôi vốn coi trọng việc học, chưa kể anh chị em họ trong nhà ai ai học cũng giỏi, lại siêng năng và đậu được đại học cả rồi nên khi tới tôi thì áp lực lại càng tăng cao. Ngày tôi đi thi mọi người gọi điện thoại tới chúc rất nhiều, cô út tôi thậm chí còn đòi chở tôi đi thi cho bằng được dù đường xa và rất mệt. Tôi cũng không rõ là mình thi bao nhiêu ngày, chỉ biết là mỗi lần thi thì tâm trạng bỗng dung thoải mái lạ thường, không áp lực, không lo âu, cũng không căng thẳng. Chắc là vì tôi biết, có lo lắng cũng không làm được gì nên tôi đã thi với tất cả những gì mình có. Thi xong, thấp thỏm chờ điểm để coi mình đậu hay rớt, thật sự còn căng thẳng hơn lúc ôn thi nữa.
Trước và sau khi thi, bố có nói với tôi rằng: “Đừng lo con gái, đậu thì tốt mà rớt thì thôi. Có học dân lập bố cũng ráng lo cho con”. Nói là thế nhưng tôi biết nếu rớt thì gia đình tôi cũng không thể lo cho tôi được, dẫu có cũng chỉ có thể mượn nợ mà thôi, nhưng tôi lại không muốn thế. Cuối cùng ngày đó cũng đến, thất vọng, lo lắng, buồn rầu và hổ thẹn là những gì tôi cảm thấy khi biêt điểm của mình. Nhớ không lầm thì khối A1 tôi chỉ được 16.5 còn khối D là 16. Trong khi đó thấy bạn bè trong lớp trong trường thôi cũng đã khối người cao hơn tôi, vậy còn cả ngàn học sinh ở các trường khác nữa thì sao? Lúc đó bố mẹ vẫn cười và nói không sao, còn đợi trường ra điểm nữa mà lo gì, nhưng tôi biết chắc rằng sao đã đầy trời rồi, vì không tài nào tôi đậu nổi với số điểm như thế. Kết quả là tôi rớt cả hai ngành ở hai trường mà tôi đăng kí, lựa chọn còn lại là học để năm sau thi tiếp hoặc nộp nguyện vọng 2. Tôi quyết định nộp nguyện vọng 2, tìm mãi tìm mãi chỉ có mỗi Hoa Sen là có ngành mà tôi muốn đăng kí nhưng trớ trêu thay học phí lại quá mắc. Tôi từ bỏ và định học lại và gia đình cũng ủng hộ việc đó. Đọc đến đây bạn thấy câu chuyện không liên quan ư? Vậy thì khúc liên quan đây rồi. Lúc tôi định học lại thì bác tôi tới và khuyên không nên học lại vì rất mất thời gian và công sức, bác bảo học Hoa Sen đi rồi bác sẽ tài trợ cho học. Thế là “mối tình” giữa trường và tôi bắt đầu.
Ngày đầu đi nộp hồ sơ, tôi nộp 2 trường, 1 là Hoa Sen và một xin được giấu tên (tạm gọi là trường X). Khi nộp hồ sơ, tôi bực thái độ lẫn cách làm việc của X thế nào thì lại hài lòng và ngưỡng mộ Hoa Sen thế ấy. Vừa đến đã thấy hẳn căn hầm bự chảng và sảnh thì gắn hẳn máy lạnh lẫn tivi. Kế đến phải nói tới thái độ và phong cách làm việc của những người nhận hồ sơ, vừa chuyên nghiệp lại thân thiện. Nhiều lúc tôi không rõ cứ phải hỏi đi hỏi lại một câu nhưng mọi người vẫn vui vẻ trả lời lại, nhìn thôi là đã thấy thích rồi.
Nhưng mối tình nào bắt đầu đẹp sẽ kèm theo sau là những sóng gió và tin đồn về “người thương” mà tôi đang hết sức thích bắt đầu từ đây. Không người này thì cũng người kia đều truyền vào tai tôi rằng, Hoa Sen nhìn hoành tráng vậy thôi chứ không phải vậy đâu. Hoa Sen toàn là tụi học sinh học dở ham chơi đậu không nổi trường công mới vô; hay trong đó sinh viên toàn cô ấm cậu chiêu, không có tiền là bị cho ra rìa liền; rồi thì là sinh viên Hoa Sen ỷ có tiền nên chảnh lắm, đi mặt toàn ngửa lên trời; trong đó mà không đi xe tay ga là nhà quê; không thì là Hoa Sen đóng tiền mắc mà chất lượng không đáng đồng tiền; giảng viên thì dạy không tốt; trường đang tranh chấp sắp giải tán rồi vân vân và mây mây. Ôi thôi với con bé mới xong cấp 3 và có nguy cơ rớt đại học và chỉ vừa với được cái phao cứu hộ mà sóng lớn lại ập tới thì chịu sao nổi, thế là lo lắng bắt đầu.
Rồi chuyện gì tới cũng phải tới, tôi được nhận vào Hoa Sen ở hai ngành (dĩ nhiên trường X tôi rớt), một là Ngôn ngữ Anh và một là Quản trị kinh doanh, tôi quyết định chọn Ngôn ngữ Anh. Trước khi vào học, tân sinh viên có một tuần sinh hoạt với các thầy cô để biết rõ hơn về trường và người mà tôi ấn tượng nhất chính là thầy Hiệu phó (bấy giờ còn là thầy trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa học). Thầy bảo rằng vào Hoa Sen, sinh viên học làm bún bò không có nghĩa là chỉ biết làm bún bò mà còn có khả năng làm bánh bèo nữa (hay ngược lại nhỉ), cho nên sinh viên ra trường sẽ có khả năng thích ứng với môi trường luôn luôn thay đổi.
Tiếp đến không thể không nhắc đến bài phát biểu của thầy ở lễ khai giảng về chuyện cái nhà vệ sinh. Nếu bạn đã từng nghe hoặc từng đọc bài báo nói về việc này hẳn hiểu rất rõ phải không? Còn nếu bạn chưa được nghe thì tôi xin tóm tắt sơ như này: ý của thầy là trong Hoa Sen không phân biệt giảng viên hay sinh viên hay bất cứ cá nhân nào cả. Trước hết là phòng học không hề có bục giảng, sau đó là nhà vệ sinh thì giảng viên và sinh viên hay nhân viên đều xài cùng một nơi, cùng một chất lượng chứ không hề phân ra nhà vệ sinh của giảng viên và nhân viên thì sạch đẹp còn của sinh viên thì dơ dáy, bẩn thỉu. Một điều nữa tôi ấn tượng ở thầy chính là tổ chức ra chương trình ‘Ăn trưa cùng trưởng khoa”.
Thật sự một sinh viên năm nhất có thể cùng ngồi ăn trưa với trưởng khoa của mình và trao đổi về mọi việc ư?
Nghe cứ như trong mơ, ấy vậy mà Hoa Sen lại biến điều đó thành hiện thực. Tôi tự hỏi rằng liệu ở thành phố này, bao nhiêu trường đai học có thể làm được chuyện đó? Kết thúc ấn tượng về thầy Hiệu phó, sau đây tôi muốn cho bạn thấy cảm nhận của tôi về tuần đầu tiên đi học. Phải rồi, tuần sinh hoạt lẫn lễ khai giảng không làm tôi bớt lo lắng về những gì mình nghe được về “anh người yêu mới” này. Tôi lo sẽ không có bạn, sẽ bị cô lập, sẽ gặp phải giảng viên khó tính, sợ sẽ học không hiểu vân vân và mây mây. Thế nhưng mọi người biết sao không?
Hoạt động chào mừng Tân sinh sinh viên Hoa Sen- Open day
Tuần đầu tiên đi học tôi hoàn toàn bị choáng, bị ngợp và bị sốc bởi những tin đồn kia hoàn toàn…không trúng miếng nào. Đầu tiên là về giảng viên, họ không những nhiệt tình, dạy dễ hiểu mà còn dạy rất hay. Mỗi môn, mỗi tiết tôi như bị cuốn vào trong đó, thậm chí có đôi chỗ tôi không hiểu, họ luôn giảng giải tận tình. Thứ hai là về sinh viên, ừ thì nhiều người nhìn cao sang, quí phái thật ấy nhưng họ lại dễ gần và vui tính biết bao. Các anh chị khóa trên cũng rất thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn những vấn đề mà tôi không biết, họ thậm chí còn truyền tải những kinh nghiệm của họ cho tôi. Còn về cách ăn mặc? Nào áo thun, quần jeans, dép lào, dép kẹp, quần short,…có đủ. Đa số đều ăn mặc rất giản dị và thoài mái, không hề chảnh hay ngất mặt cao như tôi đã được nghe. Phần hay nhất là trong này có cả núi xe máy nhé, lại còn để chung với xe tay ga chớ chẳng phân ra như một số chỗ hay làm.
Tiếp theo phải kể đến cơ sở vật chất và chất lượng, không biết ngành khác thì sao nhưng với ngành của tôi, một lớp học chỉ có tối đa 30 sinh viên. Điều này làm chất lượng giảng dạy và học tập tăng lên rất nhiều. Chưa kể mỗi phòng đều có máy lạnh, máy tính và máy chiếu đầy đủ để phục vụ việc học của sinh viên. Tuy nhiên đó chưa là gì cả, bạn phải đặt chân đến thư viện – một trong những nơi đáng tự hào của Hoa Sen với bao nhiêu là sách, máy tính lẫn gối để sinh viên có thể tự học một cách hiệu quả nhất. Thêm nữa chính là những sinh viên ở Hoa Sen có rất nhiều người tài giỏi làm bản thân tôi cũng cố gắng chạy theo để không bị rơi lại.
Cuối cùng không thể bỏ qua những hoạt động do trường hoặc sinh viên tổ chức. Những hoạt động này đều mang ý nghĩa khác nhau và giúp người tham gia đạt được nhiều điều, nhưng cốt yếu đều để sinh viên rèn luyện, trau dồi bản thân, và học tập cũng như giúp đỡ nhiều người. Lấy một dụ đơn giản về trường hợp của tôi chẳng hạn, cuối năm nhất tôi đã tham gia một đề án của trường đó là Service-Learning. Đương nhiên đề án tôi tham gia chỉ là một nhánh nhỏ riêng biệt bên ngành Ngôn ngữ Anh mà thôi nhưng những gì đề án đem lại rất lớn đối với tôi. Để tham gia được Service-Learning tôi phải trải qua vòng phỏng vấn, nói thật với mọi người chứ sống trên Trái Đất cũng 18 năm rồi nhưng tôi có bao giờ đi phỏng vấn đâu? Lại nghe nhỏ bạn sau khi phỏng vấn xong ra nói là giảng viên mặt nhìn dữ lắm nên tôi cũng run run. Ấy vậy mà mọi thứ trót lọt, tôi vào phỏng vấn và được nhận. Thế là lần đầu tiên tôi được phỏng vấn, thiết nghĩ đây cũng là cơ hội tốt để sau này tôi có kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Sau đó tôi được trải qua nhiều buổi tập huấn đầy ý nghĩa và vui vẻ cùng những thầy cô và bạn bè trong Service-Learning.
Tập huấn xong là tôi chính thức được đi dạy Anh văn ở Nhà thờ Vinh Sơn thuộc Q.4. Các em nhỏ ở đó rất dễ thương và chịu học, bản thân tôi cũng học được nhiều điều khi đi dạy, chẳng hạn như: khả năng xử lý tình huống bất ngờ, cách lên kế hoạch để thực hiện ngoại khóa, cách hòa nhập và hướng dẫn các em cùng chơi và còn nhiều thứ nữa. Bên cạnh đó, tôi cũng có cơ hội góp phần sức nhỏ để giúp đỡ những người khó khan xung quanh mình, được làm quen và học tập với những người tài giỏi và cả những kinh nghiệm mà không tài nào tôi có nổi khi chỉ ngồi trên ghế nhà trường và học.
Một điều nữa khiến tôi rất rất thích ở Hoa Sen đó chính là câu slogan mà ai ai cũng biết “Tôn trọng sự khác biệt”. Hàm ý của câu slogan đọc lên ắt đã hiện rõ rồi nhỉ? Đó là dù cho bạn có suy nghĩ, hành động, ăn mặc khác tôi hay chúng ta không có điểm tương đồng gì, tôi vẫn tôn trọng bạn và ngược lại, bạn cũng tôn trọng tôi. Ngoài ra, một điều mà tôi học được từ Hoa Sen đó chính là phải sống tử tế, tử tế khi người khác không, tử tế khi người khác sẽ không, và tử tế khi người khác không thể. Điều tự hào cuối cùng mà tôi muốn nhắc tới ở đây đó chính là cô Hiệu trưởng của Hoa Sen. Trong mắt tôi, cô là một người uyên bác, giản dị, thân thiện, và tài giỏi. Cô là một tấm gương sáng cho tôi noi theo, nhiều lúc ngồi nghĩ chỉ cần tôi được bằng một phần của cô thôi là đã mãn nguyện lắm rồi. Nếu bạn chưa gặp hay tiếp xúc với cô, tôi mong ngày nào đó bạn sẽ có cơ hội này, vì tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thấy rằng cuộc gặp gỡ này rất đáng giá.
Nãy giờ bạn chỉ nghe thấy ưu điểm của “anh nhà tôi” thôi phải không? Vậy thì xin báo cho mọi người biết, không ai là hoàn hảo, kể cả “anh người yêu của tôi”. Sau đây tôi sẽ liệt kê một số khuyết điểm của “anh ấy” cho mọi người biết. Trước hết là một số nhân viên và giảng viên ở trường đôi lúc làm việc không chuyên nghiệp lắm, thái độ cũng hay thất thường. Một vài cơ sở chỗ gửi xe rất nhỏ và ít khiến sinh viên chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi xe với mức giá trên trời. Lại còn có một số sinh viên ý thức kém lắm làm ảnh hưởng đến nhiều người. Ôi thôi không vạch áo cho người xem lưng nữa, nói tí thôi không “anh ấy” lại giận tôi mất. Tuy nhiên, nếu để ý mọi người sẽ thấy, ưu điểm chiếm đa số còn khuyết điểm thì chỉ một vài, một ít và đương nhiên những điều này hoàn toàn có thể cải thiện được.
Tôi cũng hy vọng rằng mỗi cá nhân đang làm việc và học tập tại Hoa Sen cũng sẽ cố gắng không ngừng để đưa Hoa Sen đi xa hơn. Về bạn, người đọc thư này của tôi, nếu bạn là một thành viên trong gia đình Hoa Sen, thì mong bạn cũng sẽ góp phần làm Hoa Sen tốt hơn, được nhiều người tin tưởng hơn và đặc biệt là đập tan những tin đồn vô lý kia, để mọi người biết rằng: Hoa Sen thân thiện, Hoa Sen tốt, Hoa Sen đáng tin cậy. Còn nếu bạn không phải là một thành viên trong gia đình Hoa Sen thì mong bạn hiểu rằng: Hoa Sen khác biệt và đặc biệt hơn những gì mà mọi người vẫn nghĩ. Về phía tôi, khi đã bước vào trường đương nhiên tôi cũng biết cái gì cũng có hai mặt, tốt lẫn không tốt, nhưng tôi vẫn quyết định nhìn vào những điều tốt mà trường đã đem lại cho tôi và tôi luôn cố gắng từng ngày hơn là chỉ nhìn vào những điểm chưa tốt để rồi lo lắng, buồn rầu. Tôi cũng cảm thấy việc rớt những đại học công lập kia là một điều may mắn, vì nhờ đó mà tôi đến được với Hoa Sen và cuộc đời tôi đã thay đổi theo một hướng tích cực. Tôi không chắc bản thân mình có tài giỏi hơn ai hay không, nhưng tôi biết chắc rằng tôi của hôm nay tài giỏi, siêng năng hơn tôi của ngày hôm qua rất nhiều. Còn về câu trả lời, thì Hoa Sen trong tôi là tổ ấm, là người yêu, là người bạn mà cũng là người thầy.
Tâm sự “mỏng” đến đây thôi vì tôi chắc bạn đã đọc đến chán đến mỏi mắt rồi. Thôi thì hẹn bạn vào dịp khác tôi sẽ chia sẻ kĩ hơn về những điều mà tôi được học tại Hoa Sen nhé. Hy vọng đến lúc đó bạn vẫn còn hứng thú nghe tôi “nói nhảm”.
Thân,
Người bạn không quen biết
(Bài đạt giải nhất cuộc thi “Hoa Sen trong tôi là…” – Sinh viên Phạm Trần Uyển My, MSSV: 2144905, ngành TA 141)