Giáo dục thụ động sẽ biến con người thành nô bộc
“Cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với 30 năm trước. Chúng ta cần có sự thức thời, vượt qua ngăn cách của ý thức hệ để học lấy những gì là tinh hoa tốt đẹp về giáo dục của bất cứ dân tộc nào, bất kỳ chế độ nào”- Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên.
LTS: Trân trọng giới thiệu Phần 2 tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ quốc sách giáo dục với các khách mời nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên và nhà nghiên cứu/ thành viên nhóm đối thoại giáo dục Phạm Hiệp.
Nhà báo Thu Hà:Các vị đều quả quyết giáo dục có vai trò quan trọng để tạo ra những thay đổi ở Việt Nam phải không ạ?
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Gốc thì là như thế, nhưng thực tế phát triển kinh tế- XH cho thấy điều đó chưa rõ ràng về sức mạnh của giáo dục. Vì, mục tiêu học ở ta là “học để thi”, để đạt điểm cao nên thực chất hiện nay các nhà trường, các nhà quản lý giáo dục vẫn chú trọng vào kiến thức chứ chưa chú trọng vào kỹ năng.
Tôi bỗng nhớ đến trường hợp này ở Mỹ, cách đây ít lâu, tivi đưa, và khi đó, tôi nghĩ ngay rằng đó là sản phẩm của giáo dục, của giáo dục kỹ năng sống rất thiết thực, giúp cho con người biết cách xử lý trong các tình huống ngặt nghèo.
Một em bé 07 tuổi, sống sót trong một vụ tai nạn máy bay ở Mỹ đã biết vượt qua quãng đường 03km để gõ cửa một gia đình kêu cứu. Rõ ràng giáo dục nhà trường ở Mỹ đã trang bị cho em bé kỹ năng biết cách giải quyết các tình huống, khắc nghiệt như thế.
Còn ở ta thì sao, mới đây, trên mặt báo có thông tin về câu chuyện giữa một vị nhân danh tiến sĩ với Bộ Giao thông, xung quanh vấn đề sân bay Long thành. Sự phản ứng giữa hai bên cũng vô tình phản chiếu điều tôi dẫn chứng- sự thiếu hụt của kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các vấn đề.
Trong trường hợp này nếu mỗi người chúng ta có kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng sống được giáo dục cẩn thận trong nhà trường thì chắc hai bên sẽ không để xảy ra những điều đáng tiếc, buồn cười cho xã hội.
Còn trong một quốc gia, một xã hội, nếu ngành giáo dục chỉ tập trung học để thi, bỏ qua không dạy kỹ năng sống thì sản phẩm người sẽ khiếm khuyết, sẽ luôn lúng túng, đầu bạc rồi vẫn… lúng túng trước những tình huống bất ngờ của thực tiễn.
Giáo dục là cốt lõi của nhiều vấn đề trong một xã hội, một quốc gia. Mục tiêu của mọi nền giáo dục là đào tạo một đội ngũ nhân lực có kỹ năng sống tốt, có phẩm chất tốt, có khả năng chấn hưng đất nước, đưa đất nước phát triển.
Ông Phạm Hiệp: Nhìn từ góc độ giáo dục chỉ có 3 tiêu chí: chất lượng, số lượng, và công bằng. Và nhiệm vụ của giáo dục chỉ xoay quanh 3 câu chuyện này.
Trong 30 năm qua, các nghị quyết, các chiến lược phát triển cũng đã nhắc đến ba tiêu chí này rồi. Như vậy, về mục tiêu thì chúng ta cũng không xa rời so với yêu cầu chung của thế giới nhưng về cách làm thì đang có vấn đề.
Về chất lượng, như nhà báo Kim Dung từng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta cứ tự biên soạn mà không nhập khẩu giáo trình từ một nước khác…. đây là tư duy về cách làm.
Trong thực tế, tất cả các chương trình liên kết với nước ngoài đã làm theo cách chị Kim Dung đề xuất. Ở khu vực giáo dục tư nhân, trường đại học Duy Tân cũng đã ký hợp đồng với một trường của của Mỹ để sử dụng giáo trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học máy tính theo chuẩn của họ. Hay đại học FPT cũng vậy, họ đã xin được cơ chế là dùng nguyên giáo trình của nước ngoài.
Các khách mời của tọa đàm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Về vấn đề công bằng thì có hai cách, chúng ta cứ nghĩ bậc đại học, học phí phải thấp thì các em nhà nghèo mới có thể đi học được, điều này có đúng hay không?
Nghiên cứu của chúng tôi và rất nhiều nhóm nghiên cứu khác trên thế giới chỉ ra rằng, với những nước không đủ nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học nhằm đảm bảo chất lượng, học phí càng thấp thì lại càng tăng bất bình đẳng.
Ví dụ cụ thể, ở thời điểm hiện tại hơn 40% sinh viên Việt Nam đến từ 20% gia đình giàu nhất, dưới 10% sinh viên đến từ 20% gia đình nghèo nhất. Những con số này tệ hơn so với thực tế của 10 năm trước. Tức là tình hình bất bình đẳng đang có chiều hướng xấu đi.
Cách làm của thế giới đối với nền giáo dục đại chúng là để công bằng thì học phí phải cao; đồng thời hỗ trợ cũng phải nhiều thông qua chính sách học bổng, vay vốn. Đây cũng là đề xuất của nhóm đối thoại giáo dục vừa được công bố.
Tóm lại, khi đối diện với tình hình giáo dục đại học mới thì không thể áp cách làm, cách quản lý cũ được nữa.
Nhà báo Thu Hà:Khi bàn về giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu và triết lý giáo dục của chúng ta lỗi nhịp chưa bắt kịp được sự phát triển của kinh tế, xã hội. Các vị chia sẻ như thế nào về nhận xét này?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Lúc nãy tôi đã nói đến câu chuyện mục tiêu rồi. Mục tiêu hài hòa đúng đắn là có thể chấp nhận được. Giáo dục là để hoàn thiện nhân cách phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, trên cơ sở đó xây dựng một đội ngũ nhân lực, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Mục tiêu luôn có hai mặt, phản ánh hai trường phái về mặt triết học trong giáo dục. Một trường phái là vị cá nhân, người ta cho rằng giáo dục chỉ có chức năng hoàn thiện nhân cách cá nhân, thứ hai là trường phái vị xã hội, giáo dục là đào tạo ra con người phục vụ xã hội.
Đối với Việt Nam thì phải hài hòa được hai mục tiêu đó thì mới có thể làm nền móng vững chắc phát triển giáo dục được. Hai mục tiêu đó đặt ra triết lý giáo dục nào, ở giai đoạn này chỉ có thể đề ra triết lý giáo dục phù hợp với giai đoạn này thôi. Chứ tôi cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng, nước ta chưa có triết lý giáo dục.
Làm sao có chuyện một Đảng cầm quyền đã được 80 năm mà chưa đưa ra được triết lý giáo dục được. Trong thực tế, chúng ta đã đưa ra có triết lý như học đi đôi với hành, lý luận gắn liền thực tiễn, giáo dục gia đình đi liền với giáo dục nhà trường và xã hội…, toàn triết lý đúng cả, và còn nguyên giá trị đến hôm nay và cả ngày mai.
Nhưng, đến giai đoạn này thì chúng ta phải bổ sung.
Về thực học: nếu xét từ mục tiêu đào tạo nhân lực cho xã hội, thực học có nghĩa là mình chú trọng phát triển những ngành có tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, nước nghèo mà muốn đuổi kịp các nước khác thì chỉ một cách là đầu tư vào những ngành thực hành, ứng dụng để phát triển nhanh bằng các nước. Các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội thì đào tạo vừa phải thôi, đừng dàn trải.
Thực học còn được hiểu là tăng cường thời gian thực hành. Làm gì có nước nào suốt ngày ngồi khoanh tay học lý thuyết suông nữa. Việc thực hành cần phải được triển khai ngay từ các cấp học phổ thông.
Về tính dân chủ là phải tạo điều kiện để xã hội tham gia phát triển giáo dục, giám sát, quản lý giáo dục và hưởng thành quả từ giáo dục. Chúng ta phải xây dựng được xã hội học tập. Xã hội học tập tôi đang nói khác với kiểu xã hội học tập ngày trước, tức là ai cũng đi học tại chức để lấy bằng, đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ. Xã hội học tập chúng ta cần hiện nay là thiếu gì học đấy.
Hồi tôi sang Canada dạy tiếng việt, lớp của tôi có tới một nửa là ông già, bà già. Tôi tò mò tìm hiểu thì được biết họ là thợ ảnh, là giáo sư, là nhà ngoại giao, người nội trợ. Họ đi học không phải để lấy bằng, mà để bù đắp kiến thức họ thấy thiếu. Đó là xã hội học tập thật sự. Đó là triết lý dân chủ.
Xét từ mục tiêu đào tạo cá nhân để phát triển và hoàn thiện năng lực cá nhân, dân chủ là để cho người ta mở miệng ra và đầu được tự do. Tự do học thuật và tự do thảo luận.
Tôi nhớ, Giáo sư Hoàng Tụy từng nói, người Việt Nam mình không phải là không thông minh nhưng óc tưởng tượng của mình kém quá. Bị gò ép qua hàng ngàn năm phong kiến đã triệt tiêu mất óc tưởng tượng. Giờ chúng ta đã đổi mới, chấp nhận sự sáng tạo, chấp nhận những suy nghĩ khác lạ phải được xem là điều bình thường, có như vậy thì mới thoát ra được, thì mới phát triển được.
Tóm lại, phải xây dựng cho được một nền giáo dục thực học, một nền giáo dục dân chủ thì ta mới đi nhanh được.
……………………..
Tuần Việt Nam