Gần đây, tôi có viết một lá thư ngỏ gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó đề cập tới những thủ tục quan liêu trong quy trình xét trao bằng tiến sỹ, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoạt động đồng hướng dẫn các luận án tiến sỹ trong sự hợp tác giữa phía Việt Nam và các trường đại học của nước ngoài, và đề nghị tăng cường lòng tin của các nhà quản lý vào sự trung thực của các nhà khoa học.
Bên cạnh đó, lá thư đề xuất một số giải pháp mà tôi cho là không hề gây tốn kém nhưng có thể mang lại những tiến bộ đáng kể.
Tôi viết lá thư này với lòng tin mạnh mẽ rằng những người mang trên vai sứ mệnh phát triển nền giáo dục và khoa học của quốc gia đang rất cần được sự hỗ trợ của chúng ta với tư cách vừa là công dân, vừa là nhà khoa học, bởi đó là một trọng trách rất nặng nề, gần như vượt quá sức người thường, mà mỗi người trong chúng ta cần cảm nhận được. Họ cần chúng ta đưa ra những giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện để giúp họ hoàn thành sứ mệnh của mình, và cần chúng ta hỗ trợ tối đa để giảm nhẹ phần nào trọng trách nặng nề này.
Khi đã có một thái độ như vậy đối với các nhà quản lý, thì chúng ta nhất thiết cần dũng cảm nói không, khi ta nghĩ việc ấy là không đúng đắn, không phù hợp với lợi ích của quốc gia, nhân dân, và khoa học. Chúng ta cần nhìn về phía trước thay vì ngoảnh lại quá khứ, loại bỏ những quy định ngày nay đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Chúng ta đều hiểu rõ rằng nguyên nhân các sai lầm thuộc về lịch sử, vì vậy không nên lãng phí thời gian phê phán những sai lầm của cá nhân, không may đây là thói quen chúng ta vẫn thường sa vào. Hãy độ lượng khi giải quyết các việc của quá khứ, nhưng cần liêm chính và nghiêm cẩn khi giải quyết việc tương lai. Hãy giảm bớt sự kiểm soát và tăng tự do, luôn hành xử có tính xây dựng thay vì tiêu cực, và luôn khuyến khích thay vì gạt bỏ những sáng kiến có giá trị…
(Nguồn: Tia Sáng, 13/10/2014)