“Điểm mặt” các lò phản ứng hạt nhân ở châu Á
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, trong số 62 lò phản ứng đang được xây dựng trên thế giới, châu Á chiếm 40. Ngoài Trung Quốc, các nước có nhiều lò phản ứng hạt nhân là Ấn Độ và Hàn Quốc, mỗi nước có 5 lò phản ứng đang được xây dựng.
Một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, nơi có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và dự kiến hơn 50 lò phản ứng nữa sẽ được xây dựng trong tương lai. Quân đội Trung Quốc vừa khẳng định đã hoàn tất việc kiểm tra khẩn cấp tất cả các cơ sở hạt nhân quân sự nước này sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản. Trước đó, Thứ trưởng phụ trách vấn đề bảo vệ môi trường của Trung Quốc Zhang Lijun nói: “Kế hoạch và quyết tâm phát triển năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc sẽ không thay đổi”.
Hiện tại, có rất nhiều chương trình xây dựng nhà máy hạt nhân được đề ra ở Trung Quốc và dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm nữa. Việc tiến hành quá nhiều dự án như vậy đòi hỏi phải có đội ngũ giám sát tương ứng.
Gần đây, Chính phủ Ấn Độ ký kết với Pháp, Nga, Mỹ về việc xây dựng các nhà máy hạt nhân với hy vọng trong vòng 20 năm sẽ tăng công suất điện từ 4.780 MW lên đến 63.000 MW. Trong đó, một nhà máy hạt nhân theo dự án sẽ được xây dựng ở Jaitapur, nằm trên bờ biển phía Tây Ấn Độ – nơi được xếp là vùng có nguy cơ động đất cấp độ 3/5.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 14/3 đã ra lệnh kiểm tra độ an toàn của 20 lò phản ứng đang hoạt động tại nước này, trong khi Thứ trưởng phụ trách vấn đề bảo vệ môi trường Trung Quốc Zhang Lijun cho biết Trung Quốc có thể rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản.
Hàn Quốc, nước hiện có 20 lò phản ứng, tuyên bố nước này vẫn quyết tâm theo đuổi các tham vọng hạt nhân của mình, đồng thời cũng tăng cường nỗ lực nhập khẩu công nghệ.
Một nhà máy năng lượng hạt nhân ở Ấn Độ với sự hợp tác xây dựng của Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Pak nói hôm 14/3 khi ông đang ở thăm Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất: “Hàn Quốc có các nhà máy điện hạt nhân hàng đầu xét về mức độ an toàn và hiệu quả, và các nhà máy này sẽ trở thành mô hình tốt ở Trung Đông”. Các quan chức chính quyền cũng khẳng định các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc được thiết kế theo tiêu chuẩn 0,2g (chịu được động đất với cường độ lên đến 6,5 độ Richter).
Theo thống kê mới nhất, Hàn Quốc đang đưa vào hoạt động (vì mục đích thương mại) 21 lò phản ứng hạt nhân thuộc 4 nhà máy điện hạt nhân là Gori, Wolseong, Uljin và Yeonggwang, trong đó có lò phản ứng hạt nhân Singori mới được đưa vào hoạt động từ ngày 28/2.
Nhìn chung, Hàn Quốc đều cho xây dựng các lò phản ứng hạt nhân 1 triệu KW, với nhu cầu sử dụng từ 50-60 tấn chất làm lạnh mỗi giây, ở sát bờ biển.
Một tập đoàn của Hàn Quốc đã giành được hợp đồng trị giá 40 tỷ USD để xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân (5.600MW) ở Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất.
Việt Nam, quốc gia có kế hoạch đưa 8 nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động trong vòng 20 năm tới, cho biết không lo ngại trước các sự cố ở Nhật Bản.
Trong chương trình phát triển năng lượng sạch giai đoạn 2015-2019, Indonesia đặt mục tiêu phát triển năng lượng hạt nhân. Còn tạiBangladesh, nước đã ký một thỏa thuận với Nga về việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, giới chức cho biết họ đang theo dõi sát sao tình hình tại Nhật Bản và sẽ theo đuổi kế hoạch của mình.
Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Bangladesh, ông Farid Uddin Ahmed, nói: “Các lò phản ứng của chúng tôi sẽ là lò phản ứng thế hệ thứ ba và chúng có thể đứng vững được kể cả trong các trận động đất mạnh nhất”.
Pakistan có nhà máy điện hạt nhân Karachi và theo IAEA, nhà máy chỉ hoạt động 29,6% thời gian và cung cấp được 7% nhu cầu điện của vùng Karachi. Về Philippines, Bataan là một dự án tiêu biểu của chính sách phát triển hạt nhân được tiến hành suốt nhiều năm.
Việc xây dựng nhà máy duy nhất này của Philippines bắt đầu vào năm 1976, khi ông Ferdinand Marcos đang nắm quyền điều hành đất nước. Nhà máy nằm cách thủ đô Manila khoảng 100 km. Các chuyên gia hạt nhân trong nước cũng như của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) lại khẳng định nhà máy đủ tiêu chuẩn qui định.
Thái Lan, đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của sóng thần từ Ấn Độ Dương năm 2004, đã có một kế hoạch tạm thời xây dựng 5 nhà máy hạt nhân. Phát biểu với các phóng viên ngày 13/3, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói: “Thái Lan đang nghiên cứu chương trình này”. Trong khi đó, tại nước láng giềng Malaysia, nước có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, nhà chức trách đã tìm cách nêu bật thực tế rằng việc xây dựng các cơ sở hạt nhân này sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ.
Tại Australia, nơi mà cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản đã “tiếp thêm sinh lực” cho cuộc tranh luận kéo dài lâu nay về việc sản xuất điện hạt nhân, Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết quốc gia của bà có nhiều nguồn năng lượng thay thế và không cần đến các nhà máy điện hạt nhân.
Hai nhà máy điện hạt nhân là Fukushima I và Fukushima II nằm trong vùng bị ảnh hưởng của động đất/sóng thần 11/3.
Sau thảm họa 11/3 châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hạt nhân được coi là nghiêm trọng nhất kể từ khi xảy ra sự kiện Chernobyl, Nhật Bản đã chỉ thị cho tất cả các công ty điện lực phải thực hiện những biện pháp khẩn cấp đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Theo đúng phương án an toàn hạt nhân tại Nhật Bản, 14 trên tổng số 55 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc đã tự động ngưng vận hành trong lúc mặt đất bị rung chuyển.
Tỉnh Fukushima có hai nhà máy điện hạt nhân là Fukushima I và Fukushima II. Fukushima I đã hoạt động được 40 năm. Các tổ hợp của nó cung cấp lượng điện 4,7GW và là một trong 25 nhà máy điện lớn nhất trên thế giới.
(Nguồn: Dân Trí)