Đi tìm sự thật ở nhà trường Việt Nam
Theo dõi những thảo luận trên các trang mạng xã hội hiện nay, những khái niệm “debate”, “critical thinking” được đề cập nhiều.
Ở các nền giáo dục tiên tiến, đây là những phương pháp có tính cạnh tranh giúp thay đổi môi trường và không gian học tập cho giới trẻ; xây dựng khả năng tư duy độc lập, trách nhiệm trong diễn đạt tư duy và thái độ tôn trọng trong giao tiếp.
Còn ở Việt Nam, câu chuyện “tranh luận” và “tư duy phản biện” ở trong nhà trường ra sao? VietNamNet giới thiệu một góc nhìn của GS Vũ Đức Vượng, Giám đốc Chương trình Giáo dục Tổng quát, ĐH Hoa Sen, TP HCM.
GS. Vũ Đức Vượng
“Tư duy phản biện” mới chỉ được dạy một chiều
Ông có thể cho biết cụ thể về tranh biện trong giáo dục?
– Tranh biện là xương sống của giáo dục. Trong các môn khoa học tự nhiên, người nghiên cứu có thể chứng minh được sự thật khi dùng những dữ kiện hay thử nghiệm tự nhiên vào việc này. Gallileo, dù có phải “phản tỉnh” để tránh bị hỏa thiêu, nhưng cuối cùng vẫn được công nhận là người đã tìm ra sự thật về vũ trụ.
Trong các môn khoa học xã hội hoặc nhân văn, một là vì hoàn cảnh phức tạp hơn (cứ thử định nghĩa hai chữ “tình yêu” đi) và hơn nữa, nhà nghiên cứu xã hội chỉ có thể quan sát và phân tích, chứ không thể dùng con người để thí nghiệm như nhà sinh học dùng con chuột bạch, nên tìm ra sự thật buộc lòng phải tranh luận. Cũng đã từng có những thuyết sai lệch được thừa nhận như sự thật một thời gian, nhưng rồi cũng bị đào thải. Trong nhiều thế kỷ trước đây, người da mầu bị người da trắng coi là thiếu thông minh, lạc hậu, và đã có nhiều nhà khoa học “chứng minh” giả thuyết này. Hoặc những lời dạy của Khổng tử về thân phận phụ nữ đã từng được coi như “chân lý” ở Á châu trong nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ này, chúng ta đã chứng minh ngược lại.
Vì thế, con người vẫn hy vọng là với tranh luận, chúng ta sẽ dần dần tìm ra sự thật về chính chúng ta, và về xã hội chúng ta đang sống.
Những khái niệm như “debate”, “critical thinking” được dạy rộng rãi ở đại học nước ngoài, khi vào trường đại học ở Việt Nam thì phát triển thế nào, thưa ông?
“Hầu hết các trường vẫn chưa thoát ra khỏi được cái tư duy “bảo thủ” đó, nên tuy ngoài miệng nói “tư duy độc lập” nhưng trong hành xử, phần đông vẫn ngồi chờ “chỉ đạo” từ trên xuống” |
– Nói chung, giáo dục phương Tây (hầu hết Âu và Mỹ châu) đặt nền tảng trên logic, do đó tranh luận, phản biện, hoặc so sánh các ý kiến khác biệt là chuyện không thể thiếu. Trừ thời Trung cổ ở Âu châu, truyền thống tranh biện đã phát triển mạnh mẽ qua các triết gia Hy Lạp, La Mã, rồi nối tiếp lại từ thời Phục Hưng (Renaissance) cho tới nay. Nền giáo dục đại học ở những nước này cũng theo một truyền thống đó, đòi hỏi nghiên cứu khoa học dựa trên tìm tòi, tranh biện, so sánh của nhiều người.
Trong khi đó, bên Á châu chúng ta đặt trật tự xã hội và tôn vinh những người thày quan trọng hơn là liên tục tìm ra sự thật. Trong hơn hai nghìn năm, chúng ta theo gương Trung Quốc: Khổng tử không thể nói điều gì sai và những gì từ thế giới bên ngoài đều là “man ri, mọi rợ”. Chúng ta hành hạ, áp đảo những ai có ý kiến khác với “truyền thống” hoặc đặt những câu hỏi khó trả lời.
Cho đến bây giờ, ở Việt Nam ta hầu hết các trường vẫn chưa thoát ra khỏi được cái tư duy “bảo thủ” đó, nên tuy ngoài miệng nói “tư duy độc lập” nhưng trong hành xử, phần đông vẫn ngồi chờ “chỉ đạo” từ trên xuống; hoặc như ngay Bộ GD-ĐT và các ủy ban nhân dân cũng không dám nới cái vòng kim cô đè nặng trên trường các cấp. Có những trường tuy nói là dạy “tư duy phản biện” nhưng vẫn dạy theo hướng “một chiều” chứ chưa thực lòng khuyến khích sinh viên, học sinh theo đuổi những luồng tư duy khác.
Tôi cũng không thích lắm cụm từ “tư duy phản biện” để dịch “critical thinking” vì nó ám chỉ một lối tranh luận thù nghịch chứ không phải chú tâm tìm ra sự thật. Tôi nghĩ “tư duy phán đoán” có lẽ đúng hơn.
Việc tìm ra ai đúng ở một môi trường như giáo dục – vốn hiển nhiên được cho là dạy toàn điều đúng – có giá trị như thế nào?
– Tôi không hẳn đồng ý với cái “vốn hiển nhiên cho là dạy toàn điều đúng”. Như đã nói ở trên, cái giáo dục từ chương mà ta áp dụng ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 11 đến nay không thể coi được là “dạy toàn điều đúng.”
Cái giá trị đích thực của giáo dục phải là một phương pháp, một thói quen, và một lối sống tự tìm tòi, tự đánh giá, và tự chọn lựa suốt đời. Ta phải luôn luôn dùng đầu óc của chính mình, học hỏi cho chính mình, và quyết định cho chính mình trước đã.
Hình minh họa về những kỹ năng của “tư duy phán đoán”
Có những vấn đề từ nguyên thủy của loài người đến nay, chúng ta chưa phải chạm trán, nhưng bây giờ là một vấn đề rất thực tế. Chẳng hạn như thế hệ chúng tôi sẽ bắt đầu phải quyết định sống đến bao lâu là đủ, sống như thế nào mới là đáng sống; và tôi nghĩ nhiều người trong chúng tôi sẽ phải chọn một lối hành xử sao cho đẹp, cho tử tế, với chính mình, với gia đình mình, và với xã hội nói chung.
Khi tranh biện, có nhất thiết phải đi tới cùng không, thưa ông?
– Không. Thứ nhất vì ta không biết đâu là cùng.
Cuộc nội chiến ở Mỹ chấm dứt năm 1863 nhưng đến bây giờ, 150 năm sau, nhiều ngừoi ở miền Nam vẫn không chịu đóng trang sử đó lại.
Các cuộc chiến ở Việt Nam ta trong thế kỷ trước cũng không khác; bao nhiêu điều vẫn còn bí mật. Hoặc bao nhiêu tôn giáo trên thế giới ngày nay, dù đều dạy yêu thương nhau, nhưng trong thực tế vẫn còn tranh nhau ảnh hưởng, hay có những nhóm quá khích còn dùng tôn giáo để đạt những mục tiêu vô nhân đạo.
Thứ hai, con người biết dùng đầu óc và chúng ta luôn luôn tiến tới chứ không chịu đứng yên. Các vấn đề xã hội và nhân văn cũng luôn thay đổi.
Hằng bao nhiêu thế hệ cha mẹ “thương cho roi cho vọt” nhưng bây giờ chúng ta cũng đã nhận ra là “thương cho ngọt cho bùi” có khi còn hiệu quả hơn. Hoặc bây giờ nhiều nhà xã hội học hay tâm lý học kết luận là cái triết lý “cho roi cho vọt” vô tình dạy cho con cháu mình bài học vũ lực giải quyết được mọi việc. Vì thế, cái “cùng” nó “vô cùng” lắm.
Chúng ta chỉ trưởng thành khi chấp nhận không có gì tuyệt đối
Có giảng viên đại học chia sẻ rằng điều chị thất vọng nhất đối với sinh viên là họ không bao giờ đặt câu hỏi hay nhận xét về bài giảng, cho dù có được mời, hay có thời gian chuẩn bị.
Theo ông, những yếu tố nào đã làm tê liệt tư duy phản biện của những người ngày ngày được lĩnh hội tri thức mới?
– Yếu tố quan trọng nhất vẫn là lối dạy và học từ chương của Trung Quốc và của ta. Người Nhật đã bỏ được lối học đó khi Minh Trị lên ngôi năm 1868, và chúng ta đã chứng kiến kết quả vượt bực của họ trong hơn một thế kỷ qua.
Một yếu tố nữa có thể là chính sách quá cứng rắn, đến bóp nghẹt sinh khí của học sinh, sinh viên, của nước ta từ thời phong kiến, sang thời thực dân, và tiếp tục hơn nửa thế kỷ nay.
Lúc nhỏ, lớn lên trong miền Nam, tôi không quan tâm lắm đến chính sách giáo dục thời đó; nhưng bây giờ nhìn lại, tôi mới thấy cái chính sách phần nào có vẻ “đem con bỏ chợ” ấy (laissez faire) lại giúp văn học miền Nam chấp nhận, ngay cả cưu mang được những Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Phạm Thiên Thư, Tạ Tỵ, Phạm Duy, Duyên Anh, Chu Tử, Trần Văn Trạch, AVT, v.v….
Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có một ngành truyền thông tự do, trung thực; chưa có một nền kinh tế thị trường đích thực để đo được thành quả hoặc thất bại thật; v.v… nói thế, chúng ta đủ hiểu tại sao tư duy phản biện của mọi giới, chứ không riêng gì sinh viên, bị tê liệt đi.
Tranh biện hiếm khi xảy ra ở trường lớp, trong khi ở các diễn đàn bên ngoài HSSV vẫn vô cùng hào hứng với vô số chủ đề khác nhau. Vậy có phải việc tranh biện trong giáo dục, giữa một bên là giáo viên một bên là học viên – là một “cuộc chơi” không có trọng tài, và ưu thế ngay từ đầu dường như đã nghiêng về giáo viên là những người nắm giữ tri thức – đã làm nản chí bất cứ sinh viên muốn tìm kiếm câu trả lời xác đáng nhất cho vấn đề họ quan tâm?
“Chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt ở người khác. Chúng ta chỉ trưởng thành được khi chúng ta chấp nhận thế gian này không có gì tuyệt đối” |
– Tiền đề (premise) này không ổn lắm. Giảng viên là người dẫn đường chứ không phải là người tranh luận với học sinh, sinh viên.
Trong lớp học, giảng viên mở rộng tầm nhìn cho sinh viên, qua những bài đọc, bài thuyết giảng hay những công tác tự tìm tòi.
Giảng viên cũng có thể đặt những câu hỏi để sinh viên phải suy nghĩ, tựa như cách dạy của Socrates 25 thế kỷ trước, hoặc tạo cơ hội cho sinh viên tranh luận với nhau.
Chỉ như vậy, người sinh viên mới phát huy được khả năng suy nghĩ, tranh luận, và thuyết phục được người khác.
Một điểm nữa không kém quan trọng là chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt ở người khác. Chúng ta chỉ trưởng thành được khi chúng ta chấp nhận thế gian này không có gì tuyệt đối, và đôi khi cái mà chúng ta tôn vinh là đạo đức lại là một cái gì vô nhân đạo.
Nếu chúng ta chỉ dạy con em “dựa cột mà nghe” hoặc “im lặng là vàng” thì làm sao chúng ta có thể mong đợi các em tranh luận sắc bén và thú vị được?
Một tương lai… mù mịt
Theo ông, tranh biện có nên là một kỹ năng cần đưa vào dạy ở trường lớp không?
– Tranh luận là cốt lõi của các ngành xã hội và nhân văn để đi đến sự thật, như đã nói ở phần đầu.
Hiển nhiên là trường học các cấp phải dạy và khuyến khích khả năng tranh luận. Ngay ở những lớp thấp nhất, như mẫu giáo, giảng viên khéo léo có thể lái những cuộc cãi vã giữa các em thành một cuộc tranh luận có lý lẽ, dựa trên logic và quyền lợi chung… Như vậy cô giáo vừa dạy một kỹ năng sống trong nhóm, vừa dạy kỹ năng tranh luận dựa trên lý trí chứ không trên cảm xúc nhất thời.
Bên Âu Mỹ, có một chủng tộc tuy ít người và bị ngược đãi hàng nghìn năm, nhưng lại rất có ảnh hưởng trong xã hội, là nhóm dân Do Thái. Họ giỏi về nhiều ngành, từ khoa học đến chính trị, từ kinh tế đến giáo dục, từ nghệ thuật đến quân sự, ngay cả khôi hài….
Tôi vẫn nghĩ sắc tộc này phát huy được nhiều tài năng một phần là do truyền thống tranh luận từ trong gia đình ra đến xã hội.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tranh biện tiếp tục bị “từ chối” trong giáo dục?
‘Tôi không khỏi tiếc nuối là di sản chúng tôi để lại cho con cháu trong thế kỷ này, nhất là về mặt giáo dục, thật là quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là đã tụt hậu nhiều’ |
– Chúng ta, và con cháu chúng ta, sẽ tiếp tục lụn bại trước những thăng trầm của lịch sử, sẽ mãi mãi đuổi theo các nước khác, ngay cả những nước làng giềng, nghèo hơn như Lào, có thể ít tiến sĩ hơn như Campuchia hay Miến Điện, hoặc ít tài nguyên hơn như Singapore. Nhưng họ đã hay sẽ qua mặt chúng ta hết.
Sau hơn ba năm sống và làm việc ở Hà Nội và Sài Gòn, tôi càng ngày càng có cảm tưởng nước ta đã đánh mất thời cơ để xây dựng một Việt Nam tự tin, phồn thịnh, nhân bản và hạnh phúc trong thế kỷ này.
Dĩ nhiên đây là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi, và phần nào của thế hệ đàn anh chúng tôi nữa, nhưng tôi không khỏi tiếc nuối là di sản chúng tôi để lại cho con cháu trong thế kỷ này, nhất là về mặt giáo dục, thật là quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là đã tụt hậu nhiều.
Với một nền giáo dục bây giờ vẫn còn loay hoay chuyển mình từ “đọc chép” sang “lấy người học làm trung tâm”, thì tương lai của tranh biện sẽ như thế nào, thưa ông?
– Hai chữ: mù mịt.
Tôi cũng muốn cẩn trọng người đọc là “lấy người học làm trung tâm” cũng chỉ là một phương thức giáo dục thôi, chứ không phải là mục đích của giáo dục. Mục đích, hay triết lý, của giáo dục phải là đào tạo thế hệ đi sau mình không những “thành tài” mà còn phải “thành người” nữa. Đó là thách thức của giáo dục ở mọi nơi, qua mọi thời đại, và không dễ gì đạt được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Nguồn: Vietnamnet, 02/10/2013)