Cuộc sát hạch tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã không đề xuất việc áp thuế hàng hóa đối với Việt Nam sau khi hoàn tất điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ liên quan đến các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam về định giá tiền tệ.
Đây có thể được coi là thắng lợi ngoại giao quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực hạn chế các hệ lụy tiêu cực của việc quy kết Việt Nam thao túng tiền tệ được Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra cuối năm trước. Ý nghĩa của thắng lợi này rất rõ ràng: hàng hóa của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ vẫn được hưởng các mức thuế đang được áp dụng; Việt Nam không bị coi là một đối tác mà Hoa Kỳ cần dành cho sự đối xử mang tính phòng vệ hoặc trấn áp thông qua các công cụ thuế quan hoặc biện pháp hạn chế giao thương.
Thắng lợi này là kết quả từ chuỗi hoạt động liên tục được Chính phủ Việt Nam tích cực thực hiện, ngay sau khi Chính phủ Hoa Kỳ công bố việc ghi nhận Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ. Các hoạt động này nhằm thuyết phục đối tác xây dựng lại cách nhìn, cách đánh giá đúng đắn về tinh thần hợp tác và thiện chí của Việt Nam trong quan hệ giao thương quốc tế, đặc biệt với đối tác kinh tế có tầm quan trọng chiến lược như Hoa Kỳ.
Qua cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định rằng Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, bao gồm việc điều chỉnh tỉ giá trao đổi giữa đồng nội tệ và các ngoại tệ mạnh (trong đó có đồng đô la Mỹ) chỉ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; một nước đang phát triển, có tiềm lực kinh tế khiêm tốn như Việt Nam không có khả năng và cũng không có tham vọng thao túng tiền tệ trên phạm vi toàn cầu.
Khi trao đổi ý kiến với người đồng cấp Hoa Kỳ, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhấn mạnh thái độ thiện chí của nước ta trong việc hợp tác làm rõ chính sách tiền tệ của Việt Nam; trong mọi trường hợp, Việt Nam luôn làm tất cả những gì cần thiết và có thể để tạo dựng, gìn giữ và củng cố lòng tin của các đối tác kinh tế, nhằm bảo đảm quan hệ kinh tế phát triển bền vững theo hướng hai bên cùng có lợi.
Gần đây nhất, khi đề cập đến việc mua ngoại tệ của Việt Nam trong khuôn khổ buổi làm việc với Trưởng cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đã giải thích rằng việc này chỉ nhằm củng cố dự trữ ngoại hối. Được biết, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Một phần không nhỏ lượng ngoại hối được dự trữ đến từ nguồn kiều hối, nghĩa là của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân trong nước.
Kết quả bước đầu cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể phản ứng một cách hợp lý và trong tư thế không bị động, từ đó kiểm soát được tình hình. Điều quan trọng là tỉnh táo phân tích cặn kẽ bản chất, căn nguyên của sự việc, rồi suy nghĩ tìm đối sách thích hợp. Các hoạt động trong khuôn khổ thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam đều không trái với luật chơi chung. Vấn đề là làm thế nào để những người có quan tâm nhận thấy và hiểu rõ các mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi từ việc triển khai chính sách này để có sự đánh giá chính xác, khách quan, công bằng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng Trường các nhà cái uy tín siyanks )
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 18/01/2021. )