Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Ngày 20/11/2007 tại Singapore, lãnh đạo 10 nước ASEAN đã quyết định thay đổi Nghị quyết của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2003 ở Bali dự kiến sẽ thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2020 bằng cách đẩy việc thành lập Cộng đồng này sớm hơn năm năm, vào cuối năm 2015. Rõ ràng quyết định này nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của cả khối ASEAN trước sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, tạo ra một nền sản xuất và thị trường thống nhất của 600 triệu dân với GDP đạt 1.900 tỷ USD.
Như vậy, theo sơ đồ dưới đây của B.Balassa về các nấc thang của quá trình hội nhập, ASEAN đã nhảy vọt từ nấc thang hiện nay là Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lên nấc thang Liên minh Kinh tế AEC, một bước chuyển đổi mà Liên minh châu Âu (EU) đã cần đến 50 năm…
Song, trên thực tế, theo những cam kết đã được công bố, AEC mới chỉ vượt qua được mức Liên minh thuế quan và có một số yếu tố của thị trường chung theo sơ đồ trên đây, chưa có chính sách kinh tế chung và cũng chưa có các cơ quan liên quốc gia như EU. Vì vậy, khái niệm Cộng đồng kinh tế có thể tạo ra sự nhầm lẫn hay ảo tưởng như một Liên minh Kinh tế nhưng thực tế không phải như vậy và có nhiều chỉ dấu cho thấy ASEAN sẽ không lặp lại mô hình có đồng tiền chung của EU.
Từ năm 1993, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được thành lập, các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei) đã hầu như hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan của họ nên không còn không gian đáng kể nào thêm cho tự do hóa thương mại giữa các nền kinh tế ASEAN-6. Còn với AEC, bốn nước thành viên mới CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) có nền kinh tế kém phát triển hơn, hội nhập chậm hơn, sẽ phải cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan cho hàng hóa và dịch vụ từ các nước ASEAN khác mà chủ yếu và thực chất là từ các nền kinh tế phát triển hơn của ASEAN-6. Đây là cơ hội mà các nước ASEAN-6 đang nóng lòng chờ đợi, vì họ có thể mở rộng thị trường, tận dụng lao động và tài nguyên giá rẻ ở bốn nước CLMV. Báo chí ở các nước đó gần đây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về “sự chuẩn bị chậm chạp” cũng như “biểu hiện thiếu quyết tâm” thực hiện đầy đủ các cam kết AEC ở bốn nước CLMV…
Theo Lê Đăng Doanh
(Nguồn: Tia Sáng, 20/10/2014)